Chính sách tín dụng cho hộ nghèo: Cần hợp lý

01:12, 16/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù được xếp vào tốp 10 tỉnh, thành phố thu ngân sách lớn nhất nước, nhưng Quảng Ngãi lại là một  trong 10 tỉnh có hộ nghèo cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu vốn.
 

TIN LIÊN QUAN

Xóa vòng luẩn quẩn

Quảng Ngãi hiện nay có hơn 47.000 hộ nghèo, trong đó gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Tây Trà hơn 67%, huyện Sơn Tây hơn 54%; Trà Bồng hơn 50%... Nguyên nhân dẫn đến nghèo là do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất; thiếu phương tiện làm ăn, thiếu lao động; không biết cách đầu tư sản xuất; đau ốm nặng và mắc các tệ nạn xã hội... Trong đó, nguyên nhân thiếu vốn sản xuất chiếm tới hơn 52%.

Cùng với nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo, 3 năm qua chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp hộ nghèo có thêm điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Tổng dư nợ tính đến cuối năm 2013 của Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh Quảng Ngãi là hơn 2.000 tỷ đồng, với khoảng 130.000 hộ nghèo được vay vốn để làm nhà, học tập, xuất khẩu lao động… Tuy vậy, tổng dư nợ còn thấp so với nhu cầu về vốn nên chuyện đầu tư sản xuất, kinh doanh của người nghèo gặp không ít khó khăn.

 

Người nghèo Sơn Hà vay vốn nuôi bò, mong thoát nghèo bền vững.
Người nghèo Sơn Hà vay vốn nuôi bò, mong thoát nghèo bền vững.


Ông Đinh Pia, thôn Ca Long, xã Sơn Thành (Sơn Hà) cho biết: Gia đình ông được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 7 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ông Pia dự định mua bò về nuôi, nhưng một con bò giống ngoài thị trường có giá tới 12 triệu đồng. Không đủ tiền, ông Pia đành đổi hướng mua heo về nuôi, nhưng sau khi bán heo, chỉ đủ kiếm lại 7 triệu đồng để trả nợ do heo hơi rớt giá, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.  

Hiện tại, nhiều nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác xây dựng định mức cho vay quá thấp, dẫn đến hộ nghèo không dám vay. Đơn cử như cho vay làm nhà vệ sinh, mức vay chỉ 4 triệu đồng, với vật giá hiện tại người nghèo không làm được nhà vệ sinh. Vì thế, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn đã sử dụng vốn vay “không đúng mục đích”. Và sau đó, cứ luẩn quẩn với cái vòng “vay - trả, trả - vay”.

Đó là chưa kể đến chính sách tín dụng ưu đãi… trên giấy. Cụ thể là cho vay làm nhà 167. Đối tượng, mức vay đã phê duyệt, nhưng từ năm 2011 đến nay chỉ có 343 hộ được vay với số tiền 1,6 tỷ đồng. Còn hơn 6.000 hộ nghèo khác, trong đó có hơn một nửa nhà đã làm xong vẫn chưa được vay tiền.

Vùng rốn lũ khát vốn

Khoảng 4.000 hộ nghèo phát sinh sau lũ là một con số lớn. Nhà cửa, trâu bò của nhiều hộ đã bị lũ cuốn trôi. Trong đó, có rất nhiều tài sản được tạo dựng từ vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo. Cụ bà Lê Bốn, thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) vẫn chưa hết bàng hoàng về trận lũ lịch sử vừa đi qua. Bà Bốn nói như khóc: “Con bò vay vốn hộ nghèo bị nước cuốn trôi không tìm thấy.

Tháng 2 sang năm đến kỳ trả nợ không biết lấy đâu ra tiền mà trả cho ngân hàng”. Ông Nguyễn Minh Tâm – Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây cho biết: Xã đang tích cực rà soát, thống kê báo cáo cụ thể số hộ nghèo bị thiệt hại nặng trong lũ vừa qua, để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét giãn nợ, khoanh nợ cho họ. “Phải mất nhiều năm nữa, những hộ nghèo trắng tay này mới có thể gầy dựng lại cuộc sống. Cái ăn còn chật vật, nhà cửa, sinh kế chẳng còn, họ không kiếm đâu ra tiền mà trả nợ vay” – ông Nguyễn Minh Tâm bày bỏ.

Sau gần 20 ngày lũ dữ đi qua lòng người đã phần nào nguôi ngoai nhưng những thiệt hại mà lũ để lại thì phải đến nhiều năm sau nữa mới khắc phục được. Người nghèo vùng lũ khát khao được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đặc biệt để họ nhẹ bớt khó khăn, gắng gượng làm ăn, gầy dựng lại cuộc sống. Đồng thời cần nâng mức cho vay theo mục tiêu của từng chương trình, có như thế thì người nghèo mới có thể bắt tiền vay đẻ ra lãi và giảm nghèo một cách bền vững.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.