(Baoquangngai.vn)- Những ngày cuối năm, sức mua trên thị trường đã bắt đầu tăng mạnh. Nhằm hạn chế tình trạng sốt giá, từ ngày 1.1.2014, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá sẽ triển khai chương trình bình ổn giá trên phạm vi 14 huyện, thành phố để ổn định thị trường.
TIN LIÊN QUAN
* Sẵn sàng nguồn hàng
Những ngày này, thị trường mua sắm không chỉ nhộn nhịp ở các chợ, cửa hàng bán lẻ mà cả ở siêu thị. Dạo một vòng các cơ sở kinh doanh, siêu thị, công tác chuẩn bị hàng hóa tết đã bắt đầu nhộn nhịp.
Thông thường, hàng hóa sẽ có biến động vào những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng Chạp. Chính vì thế, công tác chuẩn bị nguồn hàng luôn được chú trọng. UBND tỉnh vừa quyết định tạm ứng ngân sách tỉnh 27,5 tỷ đồng thực hiện bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Số kinh phí này sẽ được tạm ứng cho các đơn vị tham gia bình ổn gồm: Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi 5 tỷ đồng, Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn-Quảng Ngãi 8,5 tỷ đồng, Siêu thị Quảng Ngãi 10 tỷ đồng và Siêu thị Nghĩa Hành (4 tỷ đồng).
Các mặt hàng bình ổn gồm 9 nhóm hàng thiết yếu như gạo, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, thịt gia súc, gia cầm, trứng, bánh kẹo, rau củ, thực phẩm chế biến sẵn…
Điểm đáng chú ý của chương trình bình ổn năm nay là thu hút 4 doanh nghiệp, trong đó có 3 Siêu thị đóng trên địa bàn tỉnh. Do đó, sẽ có sự cạnh tranh về chất lượng và số lượng hàng hóa phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán cũng sẽ dồi dào hơn so với mọi năm.
Để thực hiện bình ổn, các đơn vị này phải đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hoá bằng cách thu mua, hợp đồng, đặt hàng, trực tiếp hoặc liên kết sản xuất, chế biến nhằm tham gia bình ổn thị trường trong dịp cuối năm với giá bán thấp hơn giá của thị trường từ 5-10%. Tại các đơn vị tham gia bình ổn giá, công tác chuẩn bị hàng hóa đã chu đáo.
Các đơn vị tham gia bình ổn giá đã sẵn sàng triển khai chương trình bình ổn giá trên phạm vi toàn tỉnh. |
Đi đầu trong công tác tạm trữ hàng hóa phải kể đến hệ thống Siêu thị Co.op Mart. Ông Lê Hồng Ca- Phó Giám đốc Co.opMart Sài Gòn- Quảng Ngãi cho biết, từ giữa tháng 12.2013, chúng tôi đã lên kế hoạch dự trữ hàng Tết với hơn 2.000 mặt hàng và đã nhập 40% các mặt hàng khô và đến ngày 10.1.2014 sẽ hoàn tất việc nhập hàng.
Mặt hàng rau củ quả đảm bảo nguồn cung ổn định rau an toàn từ Đà Lạt. Thịt gia súc, siêu thị có 2 nhà cung ứng trong tỉnh có giấy chứng nhận vệ sinh thú y, còn thịt gia cầm đông lạnh là gà thả vườn nhập từ công ty mẹ. Siêu thị cam kết đủ sản lượng cung ứng, giá cả các mặt hàng tham gia bình ổn thấp hơn thị trường từ 5-10% và bán theo đúng giá niêm yết. Song song đó, Co.opMart vẫn giữ giá các nhóm hàng ngoài danh mục bình ổn.
Là doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh lúa gạo, hiện tại Công ty Lương thực Quảng Ngãi đã tập kết hơn 500 tấn gạo, nếp về các địa điểm bình ổn ở TP. Quảng Ngãi, cửa hàng Lương thực các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bồng và Lý Sơn để sẵn sàng triển khai bán hàng bình ổn giá. Số hàng còn lại gần 500 tấn đang trên đường về và hiện tại công ty còn 500 tấn dự trữ trong kho.
Theo ông Trương Văn Khánh- Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Lương thực Quảng Ngãi thì do tỉnh chuyển tiền về cho đơn vị chậm so với kế hoạch nên giá mua về cộng với chi phí vận chuyển tăng nên so với giá đăng ký hồi tháng 10.2013, giá các mặt hàng tăng bình quân 300 đồng/kg. Tuy vậy công ty cam kết sẽ đảm bảo giá bán thấp hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg cho tất cả các mặt hàng.
Giá gạo thơm bán ở địa bàn Sơn Tịnh, Bình Sơn và Quảng Ngãi là 13.000 đồng/kg, ở Trà Bồng là 13.300 đồng/kg và Lý Sơn là 13.400 đồng/kg; gạo tẻ địa phương có giá 9.500 đồng/kg; gạo tẻ Sài Gòn 9.500 đồng/kg…
* Đưa hàng bình ổn về nông thôn, miền núi
Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 tập trung vào 3 điểm chính: triển khai vận động các doanh nghiệp và địa phương dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu đảm bảo nhu cầu tiêu thụ cho người dân trong dịp tết. Theo ông Nguyễn An- Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi, rút kinh nghiệm của 3 năm trước đây, công tác bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm mới.
Quảng Ngãi sẽ mở rộng điểm bán hàng bình ổn lên 21 điểm tại tất cả 14 huyện, thành phố trong đợt bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ này. Trong đó tại huyện đảo Lý Sơn, có 2 đơn vị sẽ tổ chức điểm bán hàng bình ổn gồm Siêu thị Quảng Ngãi (ngày 23-25 tháng Chạp với 9 nhóm hàng thiết yếu và 37 mặt hàng Việt Nam chất lượng cao) và Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi (từ 1.1.2014 đến 30.1.2014 với các mặt hàng gạo nếp, gạo tẻ).
Đồng thời với Chương trình bình ổn giá, các đơn vị sẽ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. |
Thời gian phục vụ bán hàng bình ổn, nhất là ở các huyện xa như Tây Trà, Sơn Tây sẽ kéo dài hơn mọi năm để nhân dân có điều kiện mua sắm hàng Tết. Kết hợp giữa bán hàng bình ổn với “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo sự phong phú, đa dạng của các mặt hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Đợt bình ổn giá Tết năm nay chỉ tập trung bình ổn thời gian trước và cận Tết, không tổ chức bình ổn sau Tết. Vì sau tết nhu cầu mua sắm không tăng đột biến như trước đó. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường mở rộng hệ thống bán lẻ để đủ độ phủ rộng, cung ứng hàng hoá kịp thời trong trường hợp có sốt giá.
Trung bình, mỗi chuyến hàng tết đưa về nông thôn trị giá khoảng 400-500 triệu đồng gồm các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, đồ uống… Đây chính là dịp để hàng Việt xâm nhập vào thị trường nông thôn, khẳng định thương hiệu và chất lượng, uy tín đối với người tiêu dùng.
Năm nay, Siêu thị Co.op Mart sẽ triển khai đồng thời công tác bình ổn giá và đưa hàng Việt về nông thôn tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh. Đúng vào ngày 4.1, huyện Tây Trà kỷ niệm 10 năm thành lập huyện, Siêu thị sẽ tổ chức bán hàng tại đây trong 2 ngày và tặng 30 suất quà cho đồng bào nghèo. Từ ngày 4-12.1.2014, Siêu thị sẽ bán hàng tại Hội chợ Xuân huyện Sơn Tịnh. Cùng thời diểm đó, Siêu thị cũng tổ chức bán hàng tại các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa.
Theo ông Lê Hồng Ca, trong những năm qua, Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi đã làm tốt công tác đưa hàng Việt về nông thôn, qua đó không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được hàng hóa đảm bảo chất lượng do Việt Nam sản xuất, mà còn xây dựng được thương hiệu hàng Việt trong người tiêu dùng… Năm nay, Quảng Ngãi vừa trải qua những thiệt hại nặng nề sau lũ, vì thế, công tác bình ổn giá và đưa hàng Việt về nông thôn càng có ý nghĩa thiết thực hơn với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng chịu thiệt hại do lũ lụt.
Cùng với việc thực hiện chương trình bình ổn giá hàng Việt Nam chất lượng cao, Sở Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, tăng cường kiểm tra, xử lý hàng lậu, gian lận thương mại; việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra về việc găm hàng, tạo sốt giá ảo trên thị trường; phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Bài, ảnh: Ái Kiều