Thị trường vật liệu xây dựng sau lũ: Cầu vượt cung

09:11, 27/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trận lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi, làm sập 209 căn nhà, 783 nhà bị tốc mái, hư hỏng; hơn 201.000 nhà dân bị ngập nước. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nặng nề hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế. Để khôi phục nhà cửa, công trình không thể thiếu vật liệu xây dựng. Đảm bảo cung ứng đủ hàng và bình ổn giá đối với mặt hàng này là một yêu cầu cấp bách.

TIN LIÊN QUAN

* “Cầu” tăng đột biến

Sau một năm gần như “đứng bánh” những ngày qua, thị trường vật liệu xây dựng bắt đầu ấm trở lại. Người dân, doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu đi mua vật liệu xây dựng để sửa chữa, làm mới công trình, trường học, nhà ở. Nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đã phải thuê thêm người, phương tiện vận chuyển để có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng Hoàn Châu, đường Quang Trung (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Trời chưa sáng đã có người đến gõ cửa mua hàng. Các mặt hàng như xi măng, ngói, tấm lợp, gạch… nhiều lúc bị đứt do nhập hàng về không kịp”.

 

Tận dụng lại gạch cũ từ đống đổ nát để làm nhà sau lũ.
Tận dụng lại gạch cũ từ đống đổ nát để làm nhà sau lũ.


Thông thường khi đi mua vật liệu xây dựng, người dân thường chọn những cơ sở kinh doanh gần nhà. Ở những vùng tâm lũ đi qua, do cùng một lúc có rất nhiều nhà bị sập, bị hư hỏng phải xây lại hoặc sửa chữa đã khiến mặt hàng này bị khan hiếm cục bộ. Hơn nữa, trong lũ, không ít cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng bị lũ cuốn trôi, sau lũ phải nhập toàn bộ hàng hóa nên nhiều nơi “cung” đã không đáp ứng “cầu”.
 
Anh Nguyễn Mạnh Tiến, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ở Sơn Giang (Sơn Hà) cho biết: “Hàng hóa không kịp di dời đã bị nước lũ cuốn trôi. Bà con đặt mua hàng nhiều lắm nhưng hiện giờ chưa có hàng cung ứng”. Tuy thế, chủ các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đều khẳng định, sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu xây dựng của nhân dân nhưng có thể chậm hơn trong việc giao hàng so với mọi khi.

* Cần lắm đạo đức kinh doanh

Hiện tại, nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng đã bắt đầu tăng giá. Viện đủ lý do như chi phí chuyên chở, giá đầu vào tăng nên hàng bán đến tay người dân buộc phải tăng giá. Chị Nguyễn Thị Thương, ở thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) trước khi lũ tới vừa xây dựng xong căn nhà cấp 4. Lũ qua, nhà bị sập, nay phải tiếp tục xây lại. Chị Thương nhẩm tính: So với trước lũ, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng tăng giá cao hơn. Xi măng tăng 5.000 đồng/bao; cát tăng 100.000 đồng/xe; gạch tăng 200 đồng/viên; tôn tăng 15.000 đồng/tấm. “Giá vật liệu xây dựng tăng ào ào thế này người dân sẽ gặp khó khăn trong sửa chữa nhà cửa sau lũ”.

Lý giải sự tăng giá các mặt hàng tại cửa hàng của mình, anh Nguyễn Văn Vợi, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Tấn Thi ở thị trấn Sơn Tịnh (Sơn Tịnh) cho biết: “Hiện tại, cát xây dựng chưa có nguồn cung ứng. Cửa hàng phải mua lại cát của một số cửa hàng khác với giá cao để có cát bán cho người dân. Mua đi bán lại qua nhiều tay thì giá tất nhiên phải cao hơn đôi chút”. Mỗi mặt hàng tăng “đôi chút” đã tạo nên một vật cản lớn đè nặng lên đôi vai người dân đang cố  gắng gượng đứng dậy sau lũ.

Tuy nhiên, hiện cũng có không ít chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng sẵn sàng bán chịu cho nhiều hộ dân có thêm điều kiện sửa chữa, xây dựng nhà ở. Ông Đoàn Thi, ở tổ dân phố 3, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho biết: “Mình chịu hẹm một chút để giúp cho dân trong lúc khó khăn này. Đó là đạo đức của người kinh doanh. Làm ăn lâu dài, không nên bất chấp để kiếm tiền, nhất là tuyệt đối không được lợi dụng bão lũ để tăng giá”.

Trước nhu cầu cấp thiết của mặt hàng vật liệu xây dựng hiện nay, cơ quan chức năng cần phải tăng cường biện pháp kiểm soát giá cả hữu hiệu, không để xảy ra tình trạng tư thương lợi dụng sự khó khăn của thị trường, tạo khan hiếm giả, nhằm đẩy giá lên cao để trục lợi, gây khó khăn cho người tiêu dùng, bất ổn thị trường sau lũ.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.