(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là tỉnh nằm trong vùng duyên hải miền Trung, nơi giao thoa của 3 nền văn hóa: Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt; nơi hội tụ đủ các yếu tố địa lý, lịch sử và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn… mà điểm nhấn là Lý Sơn… Tuy nhiên, du lịch Quảng Ngãi vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng.
Phong phú và đa dạng
Toàn tỉnh có 27 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 168 di tích cấp tỉnh và hệ thống các bảo tàng tương đối đa dạng và hấp dẫn khách du lịch. Đây cũng là nguồn tài nguyên nhân văn phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu mảnh đất con người, lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Quảng Ngãi như Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Bảo tàng Ba Tơ,…
Quảng Ngãi được thiên phú cho nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, với bờ biển đẹp, kéo dài 130 km với nhiều bãi cát phẳng lỳ, tài nguyên du lịch biển và hải đảo khá phong phú và hấp dẫn. Nhiều bãi biển vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ như Khe Hai, Mỹ Khê, Sa Huỳnh… Tài nguyên du lịch vùng đồi núi cũng phong phú không kém, với điểm du lịch văn hóa sinh thái Trà Bồng (núi Cà Đam), Thác Trắng (Minh Long); hệ thống các thác nước, hồ nước tạo nên thắng cảnh rừng núi hùng vĩ phù hợp cho các loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá…
Du khách tham dự Hội đua thuyền tưởng nhớ các Hùng binh Hoàng Sa trong dịp lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tháng 4.2013. Ảnh: X.THIÊN |
Đặc biệt trong những năm gần đây, Lý Sơn đã và đang được du khách hướng đến. Không chỉ có phong cảnh đẹp hoang sơ, những mộ gió, di tích xen kẽ trong khu dân cư, các đình làng,… hệ thống chùa cùng nhiều lễ hội đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, mà Lý Sơn còn là nơi các hùng binh năm xưa xuất quân ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm cột mốc chủ quyền. Nhằm tri ân các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hằng năm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa luôn được tổ chức với quy mô ngày càng lớn hơn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách.
Giữ gìn bản sắc Quảng Ngãi
Với những tài nguyên thiên nhiên được thiên phú như vậy, lẽ ra Quảng Ngãi là sự chọn lựa của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, tỉnh ta vẫn chưa thực sự đầu tư cho ngành công nghiệp không khói này. Có thể nói, ngành công nghiệp tỉnh ta trong những năm qua có chiều hướng tăng trưởng đáng kể đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào làm ăn…
Về lĩnh vực du lịch, mặc dù đã được quy hoạch rất nhiều, nhưng vẫn chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư. Nguyên nhân chính ở đây là do công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa được chú trọng; việc đầu tư tôn tạo các di tích chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều sản phẩm du lịch được hình thành nhưng không phát huy hiệu quả cũng bị mai một theo thời gian; nguồn nhân lực du lịch tuy có đào tạo nhưng tính chuyên nghiệp vẫn chưa cao, phần lớn nhân viên chỉ ở trình độ trung cấp và sơ cấp,…
Những con số về lượng khách và doanh thu tuy có tăng qua các năm, nhưng so với các tỉnh trong khu vực thì tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. Để du lịch Quảng Ngãi sánh vai cùng các tỉnh bạn, cần tập trung lấy Lý Sơn làm điểm nhấn, còn trung du và miền núi chỉ là điểm đến. Để làm được điều đó thì trước hết là vấn đề môi trường. Các cấp ngành cần quan tâm xử lý rác thải, trồng cây xanh…tạo môi trường sinh thái biển trong lành cho hòn đảo.
Lấy Lý Sơn làm điểm nhấn
Lý Sơn là hòn đảo có nhiều di tích xen kẽ trong khu dân cư nên việc tôn tạo các di tích để phát triển du lịch là điều nên làm. Cùng với đó là đẩy nhanh việc làm nhà trưng bày xương Cá Ông; đa dạng sinh học, lặn ngắm san hô hay tàu đáy kính sẽ giúp du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp dưới mặt nước. Đặc biệt, cần phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch Homestay, tức là loại hình du lịch trong đó du khách sẽ được sống cùng với người dân trên đảo, cùng sinh hoạt và tham gia các hoạt động lao động sản xuất, như trồng, chăm sóc, thu hoạch hành, tỏi. Du khách hẳn sẽ thích thú khi được chính tay thực hiện những công việc này như những người nông dân thực thụ.
Lễ rước Di tích lịch sử cấp quốc gia đối với Đình làng An Vĩnh và Bằng chứng nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia cho các tộc họ trên đảo Lý Sơn. Ảnh: X.Thiên |
Khi nói về du lịch Quảng Ngãi, ông Tạ Quy- nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh, nay là Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTT&DL tại Đà Nẵng không khỏi trăn trở: Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm đúng mức, thể hiện rõ nhất ở sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Cơ cấu kinh tế tỉnh ta tập trung phát triển công nghiệp, vì vậy nên mức độ đầu tư cho du lịch còn khá khiêm tốn, chưa có chính sách thu hút đầu tư riêng cho du lịch... Để phát triển du lịch Quảng Ngãi cần tập trung phát triển đúng định hướng theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam... định hướng 2030 và Đề án phát triển du lịch biển đảo đã được Bộ VHTT& DL ban hành, trong đó lấy Lý Sơn làm điểm nhấn. Trước đây, Sở VHTT& DL đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ngõ hầu giúp người dân nhận thức về lợi ích phát triển du lịch, phát triển mô hình Homestay... Qua đó, nhiều nhà hàng, nhà nghỉ mọc lên nhưng kinh doanh không chuyên nghiệp, nên đã để lại nhiều ấn tượng không tốt đối với du khách...
Để du lịch Quảng Ngãi phát triển cần huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển du lịch biển đảo trên nguyên tắc khai thác gắn chặt với bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có để giữ gìn những giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo của văn hóa biển đảo, phát triển du lịch xanh, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng du lịch cùng trình độ của nguồn nhân lực…
TRỊNH PHƯƠNG