Để cái khó không "bó" lối đi

06:11, 09/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế rất cao. Nhưng muốn có được kết quả trên, cây phải sống khỏe và cho nhiều quả. Mà điều này thì không hề dễ khi mà trình độ và kỹ thuật thâm canh cây ăn quả của nông dân trong tỉnh hiện còn thấp…

TIN LIÊN QUAN


*Chăm cây ăn quả như chăm lúa

Khu vườn nhà ông Lâm Tấn Nghiệp ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) rộng chừng 3 sào. Trên khoảnh vườn ấy có 20 cây sầu riêng lẫn chôm chôm đang trĩu quả. Vào mùa thu hoạch vừa qua, vườn ông Nghiệp rộn ràng  hẳn lên vì thương lái ở các chợ đến mua và chia nhau thu hái chôm chôm, sầu riêng. Loáng cái, 1,5 tạ sầu riêng, chôm chôm được chất đầy trong giỏ lớn, giỏ nhỏ.

 

Cây sầu riêng 10 năm tuổi của ông Lâm Chấn Nghiệp bị bệnh nứt vỏ, rỗng ruột.
Cây sầu riêng 10 năm tuổi của ông Lâm Chấn Nghiệp bị bệnh nứt vỏ, rỗng ruột.


Con số trên khiến ông Nghiệp thoáng buồn vì năng suất giảm. Chẳng thế mà dù cầm trên tay 2 triệu đồng nhưng ông chẳng vui. Hỏi ra mới biết mấy đợt (mỗi đợt 15 ngày) trước, số tiền bán sầu riêng và chôm chôm nhiều gấp đôi con số trên. Nhưng đợt này chôm chôm bị rụng non quá nhiều; còn sầu riêng lại dở chứng, không cho quả đúng lúc giá loại trái cây này đạt đỉnh (35.000 đồng/kg mua tại vườn) khiến ông thất thu nặng.

Tuy nhiên, điều quan ngại không phải vì sầu riêng ít ra hoa kết quả mà là hiện tượng cây bị nứt thân, rỗng ruột khiến nó chết dần chết mòn. Dù đã dùng nhiều cách chữa trị nhưng đến giờ, hàng loạt cây sầu riêng trên 10 năm tuổi của ông Nghiệp đã bị căn bệnh quái ác trên quật ngã. Cá biệt, bốn cây sầu riêng đầu dòng vừa được Bộ NN&PTNT công nhận cũng không thoát khỏi tình trạng “nứt, rỗng”.  

Lý giải tình trạng trên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Văn Việt cho rằng, chôm chôm rụng non là vì thiếu ánh sáng và thừa nước; còn sầu riêng bị nứt thân, rỗng ruột do con lậy và nấm Trichodema gây ra. Để phòng chống, chỉ cần cắt ca rô vườn tạo rãnh thoát nước, rồi bón Pasudin từ gốc cây. Tuy nhiên, theo ông Việt thì hiện nay, cây ăn quả “dính” bệnh chủ yếu là do nông dân phớt lờ khuyến cáo kỹ thuật của ngành chuyên môn khi trồng và chăm sóc. “Họ chăm cây ăn quả như chăm lúa khiến nó bị thừa nước, bội thực phân nên còi cọc, tỷ lệ đậu quả thấp, thậm chí chết. Mà khi xảy ra sự cố là quy tội cho giống, điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp”, ông Việt nói.     

*Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật

Chủ trương cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả ra đời từ năm 1996 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng của đất, cải thiện thu nhập cho nông hộ. Dù được đánh giá là hướng phát triển mang tính đột phá nhưng thời điểm ấy, việc cải tạo đã bị chết yểu vì vấp phải nhiều rào cản. Đó là “ngành chuyên môn lúng túng trong quá trình tuyển chọn giống; còn người dân thì chưa nắm kỹ thuật thâm canh, lại nặng tâm lý được ăn mất thôi”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lê Văn Việt, một trong những người tham gia vào việc cải tạo vườn tạp từ những ngày đầu chia sẻ.

Đến năm 2008, việc trồng cây ăn quả bắt đầu được chú ý khi công tác nghiên cứu, tuyển chọn giống đi vào quy củ. Từ việc lựa chọn 11 cây đầu dòng của 3 loại sầu riêng, bưởi da xanh và chôm chôm; đến Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển cây ăn quả hàng hóa được khởi động tại huyện Nghĩa Hành vào năm 2012 với diện tích 45 ha.  

Dù cái khó về giống đã được tháo gỡ, nhưng do kỹ thuật thâm canh của nông dân rất thấp,  rồi diện tích đất ít, vườn trũng dễ ngập úng, trong khi việc thiết kế hệ thống tưới tiêu chưa được chú trọng, khiến hiệu quả do cây ăn quả mang lại chưa cao. Ngay như Dự án 45ha cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành thì hiện chỉ thực hiện được 28 ha, số còn lại phải đợi trời nắng dù giống đã sẵn sàng. Rồi diện tích vườn của mỗi hộ tham gia chỉ có 500m2 thay vì 1.000m2 như dự án quy định. Mà với 500m2 thì chỉ trồng đơn, hoặc 9 cây sầu riêng, hoặc 12 cây chôm chôm hoặc 20 cây bưởi chứ rất khó trồng phối trộn 3 loại cây. Thế nên dù liên vùng nhưng diện tích mỗi hộ thấp, số lượng cây ít cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc vì tâm lý được ăn, mất thôi.

Do đó, theo ông Lê Văn Việt thì để lối đi của cây ăn quả không bị “bó”, cần thiết phải đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật thâm canh cho nông dân. Vì có kỹ thuật, họ sẽ biết cách quy hoạch và bố trí vườn, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đúng cách chứ không phải tù mù như hiện nay.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.