Kinh tế trang trại ở Nghĩa Hành: Cần thêm sự trợ lực

10:07, 25/07/2012
.

(QNg)- Những năm gần đây, kinh tế hộ gia đình trên địa bàn huyện Nghĩa Hành đã có bước chuyển dịch từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Điển hình là kinh tế trang trại, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.  

TIN LIÊN QUAN


Đóng góp từ kinh tế trang trại

Mô hình trang trại của ông Trần Trọng Dũng, ở thị trấn Chợ Chùa, là một điển hình của ý chí thoát nghèo. Với sự cần cù chịu khó, ông Dũng đã cải tạo 8 sào đất vườn để trồng các loại cây ăn quả như chôm chôm và nhãn IDO. Bên cạnh đó, ông đầu tư cải tạo 8 sào đất đồi để trồng cây lâm nghiệp và mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi bò lai. Mô hình chăn nuôi 14 con bò lai, bò giống sinh sản, cộng với nguồn thu từ cây ăn quả và thu nhập từ vườn cây lâm nghiệp hằng năm cho gia đình ông mức lãi hơn 150 triệu đồng.

Các chủ trang trại chăn nuôi cần hỗ trợ về vốn để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô
Các chủ trang trại chăn nuôi cần hỗ trợ về vốn để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô


Ông Huỳnh Tấn Phát, xã Hành Tín Đông, sau nhiều năm bôn ba cuối cùng ông quay về quê hương để lập nghiệp. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ông chọn mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng để phát triển kinh tế. Sau 4 năm đầu tư gầy dựng, hiện ông Phát đang sở hữu một trang trại khá bề thế, trị giá hơn 300 triệu đồng. Nói về mô hình của mình, ông Phát chia sẻ: "Xã Hành Tín Đông là một xã bán sơn địa, điều kiện thổ nhưỡng đặc thù thích ứng cho việc phát triển kinh tế trang trại, nên tôi chọn mô hình trồng rừng và chăn nuôi mang lại hiệu quả thiết thực nhất".

Ông Đàm Bàng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có 50 trang trại, với tổng diện tích gần 600 ha. Trong đó có 4 trang trại trồng cây lâu năm, 27 trang trại lâm nghiệp, 4 trang trại chăn nuôi và 15 trang trại tổng hợp. Các trang trại này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho trên 450 lao động nông thôn. Hằng năm, tổng giá trị thu nhập từ loại hình kinh tế trang trại hơn 3,1 tỉ đồng, trong đó mỗi trang trại thu nhập bình quân gần 70-100 triệu đồng.

Để kinh tế trang trại phát huy hiệu quả


Phát triển kinh tế trang trại mang lại lợi ích thiết thực ở khu vực nông thôn Nghĩa Hành hiện nay. Tuy nhiên thực tế các chủ trang trại đều gặp những khó khăn chung. Họ rất cần sự hỗ trợ về vốn, nhưng vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Chính quyền một số nơi chưa quan tâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các chủ trang trại có điều kiện vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Trên địa bàn huyện hiện còn 17 trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Ông Bùi Văn Bảo-Chủ trang trại chăn nuôi ở xã Hành Tín Đông cho biết: Để phát triển kinh tế trang trại bền vững huyện cần tập trung giải quyết những khó khăn về vốn vay cho sản xuất và thị trường tiêu thụ. "Với mô hình trang trại chăn nuôi  số lượng lớn, tôi cần phải có vốn để đặt mua thức ăn trực tiếp tại nhà máy sản xuất, hạn chế mua qua trung gian để giảm bớt chi phí. Thêm vào đó, giá lợn hơi lên, xuống thất thường, người chăn nuôi chúng tôi không nắm vững được các thông tin thị trường nên thường rơi vào cảnh bị động khi xuất bán sản phẩm và thường bị tư thương ép giá"- anh Bảo lý giải.

 Nói về một số tồn tại trong việc phát triển kinh tế trang trại hiện nay, ông Bàng cho biết:  Việc đầu tư phát triển trang trại hiện nay còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch hoặc cơ chế khuyến khích theo định hướng chủ trương của huyện. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp với định hướng chung trong phát triển kinh tế, quy hoạch môi trường theo chuẩn của nông thôn mới. Đa số các chủ trang trại quản lý sản xuất theo kinh nghiệm, chưa có điều kiện tiếp cận tiến bộ kỹ thuật...

Trong thời gian tới, huyện sẽ quy hoạch tập trung các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tăng cường công tác quản lý tình hình dịch bệnh và môi trường. Hiện nay tiêu chí xác định kinh tế trang trại không còn phù hợp. Vì thế, để áp dụng kinh tế trang trại theo tiêu chí mới, cấp trên cần có chính sách thay đổi tiêu chí về quy mô, định lượng để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, giúp địa phương đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay trên địa bàn huyện.    


     Bài, ảnh: K.NGÂN
 


.