Sáp nhập hợp tác xã: Nỗi lo “bình mới, rượu cũ”

08:10, 19/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, thậm chí “chết yểu”… là thực trạng ở nhiều hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm việc hạ tỷ lệ HTX yếu kém, với chỉ đạo sáp nhập 2 hoặc nhiều HTX yếu kém thành một. Tuy nhiên, nếu không có những quyết sách kịp thời thì sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục tồn tại HTX theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.

TIN LIÊN QUAN


Toàn tỉnh hiện có 272 HTX. Trong đó, chỉ có 62 HTX quy mô xã, còn lại là HTX thôn - liên thôn và chỉ có 50% HTX hoạt động có lãi với mức từ 25-40 triệu đồng/HTX/năm. Điều đáng nói là gần 60% chủ nhiệm các HTX chưa qua đào tạo chuyên môn nên năng lực điều hành của ban quản trị (BQT) HTX bộc lộ nhiều hạn chế.

Thực trạng...

Thoạt nhìn, hẳn nhiều người sẽ rất ngưỡng mộ HTXNN Bình Mỹ (Bình Sơn) khi trụ sở làm việc là căn nhà hai tầng. Thế nhưng cái nhà hai tầng trông hoành tráng này cũng chẳng thuộc quyền sở hữu của HTXNN Bình Mỹ, mà là cửa hàng thương mại đã phá sản, được UBND xã Bình Mỹ cho HTX mượn làm trụ sở! Chẳng trách dù nó rộng nhưng vẫn bị BQT… chê là không phù hợp với nhu cầu hoạt động của HTXNN. Bên trong trụ sở là hai cái bàn, dăm chiếc ghế gỗ cũ kỹ, ọp ẹp, ẩm mốc. Hai gian phòng phía sau thì tối om, ngổn ngang đồ đạc.

 

HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy được xếp là HTX “số 1” của tỉnh vì có định hướng kinh doanh phù hợp.                                                                                                                Ảnh: T.N
HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy được xếp là HTX “số 1” của tỉnh vì có định hướng kinh doanh phù hợp. Ảnh: T.N


Còn trụ sở HTXNN Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cũng chẳng khá hơn với căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, tường vôi bong tróc. Đã thế, HTX này ở chung khuôn viên với điểm trường mẫu giáo mà không có bảng hiệu nên trông nó chẳng khác gì nhà kho. Nhưng "kho HTX" rỗng tuếch vì bên trong cũng chỉ có vài ba cái bàn, ghế…

Nói như ông Nguyễn Minh- Chủ nhiệm HTXNN Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) thì, HTX cũng muốn đảm nhận phần việc này, công trình kia để tạo vốn, tăng thu nhập. Nhưng lấy gì để làm với cái túi trống rỗng, tài sản “trắng”; còn nhân lực thì “mỏng” cả lượng lẫn chất? Trong khi đó chính quyền lại chưa tin tưởng, thậm chí không muốn giao việc nên HTX đành đứng ngoài cuộc nhiều chương trình, trong đó có nông thôn mới. Có rất nhiều hạng mục HTX có thể đảm nhận để tăng thu nhập, giảm chi phí đóng góp cho người dân như quản lý chợ, bảo vệ môi trường, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, làm giao thông nông thôn, xây cổng chào hoặc nhà văn hóa thôn… nhưng địa phương lại giao  cho các cá nhân, tổ chức khác thực hiện.

Lý giải sự lựa chọn trên, Chủ tịch UBND xã Đức Phong  Ngô Đình Long cho rằng: “Do HTX không đủ năng lực lẫn vật lực”. Với lý do này nên dù rất muốn thoát nghèo, HTX cũng chẳng biết thoát bằng cách nào, đành tự bằng lòng với những gì mình có. Đó là thực hiện những dịch vụ lặt vặt để… giữ tên; còn sự sống thì đã có nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí!


HTXNN đã thế, đội ngũ BQT lại càng bi đát hơn. Với mức phụ cấp trên dưới 1 triệu đồng/tháng, chưa đủ giúp họ trang trải chi phí đi lại nói gì đến giúp đỡ gia đình. Thế mới có chuyện nhiều người “sáng làm chủ nhiệm, chiều làm nông dân” những mong kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.   

... và những điểm sáng

Nói thế không có nghĩa là HTXNN không có đường thoát. Bằng chứng là vẫn có nhiều HTX ăn nên làm ra. Đơn cử như HTXNN 1 Bình Trung (Bình Sơn). Với sự sáng tạo và táo bạo, HTX này đã vươn lên làm giàu với mức lãi gần cả tỷ đồng/năm. Được con số lý tưởng trên, ngoài việc thực hiện các dịch vụ bắt buộc, HTX này còn quản lý hiệu quả 60 ha rừng.
 
Điều đáng ghi nhận ở HTXNN 1 Bình Trung không phải là có diện tích 60 ha rừng mà là cách thức quản lý và khai thác. Đó là HTX chịu trách nhiệm khoanh vùng, làm đất và lên kế hoạch sản xuất để xã viên canh tác. Doanh thu được chia theo tỷ lệ HTX/xã viên là 52/48. Cách làm này đảm bảo hài hòa lợi ích giữa xã viên và HTX  nên đơn vị phát triển.

Còn tại HTXNN Vĩnh Trường, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức), dù mức lãi chỉ khiêm tốn 150 triệu đồng/năm nhưng cái lợi mà xã viên nhận được lớn hơn con số trên rất nhiều. Đó là nhờ kỹ thuật canh tác cây trồng, cách tiếp cận giống đến kỹ năng sản xuất, thâm canh cũng như kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy, xã viên HTX Vĩnh Trường không chỉ tạo ra được những đồng lúa có doanh thu 120 triệu đồng/ha mà còn ghi điểm với giới chuyên môn lẫn doanh nghiệp. Bằng chứng là diện tích sản xuất lúa giống của HTX này không ngừng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, số HTX năng động như Bình Trung 1, Vĩnh Trường hay Bình Dương là không nhiều, vì phần lớn và chủ yếu là HTX có quy mô thôn, liên thôn vẫn ì ạch, hoạt động theo kiểu lấy có. Do đó, theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hạnh thì: “Lối mở duy nhất cho số HTX này là sáp nhập”. Nhưng nói thì dễ, thực hiện là cả một vấn đề.

Sáp nhập...

Hiện nay hàng trăm HTX yếu kém trong tỉnh đang “xếp hàng” chờ sáp nhập, với kỳ vọng xóa đi yếu kém, tạo ra sức mạnh thực sự. Mục tiêu mà tỉnh đưa ra là đến năm 2015, HTX yếu kém chỉ còn dưới 10%; HTX khá, giỏi đạt 55%. Để đạt được mục tiêu trên, rất cần sự quan tâm về đầu tư và định hướng của tỉnh, tránh tình trạng bỏ công sức sáp nhập, đổi mới HTX, nhưng sau đó vẫn như cũ.

Ngày 4.10 vừa qua, HTX Phổ Vinh (Đức Phổ), được thành lập trên cơ sở sáp nhập HTX nông nghiệp I và II. Số xã viên tăng lên gấp đôi với gần 2.000 hộ; Ban chủ nhiệm HTX được thay bằng cái tên mới theo luật định: Ban Giám đốc HTX Phổ Vinh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, con người thì chủ yếu “vẫn như xưa”. Số vốn của HTX Phổ Vinh hiện tại được “cộng dồn” qua các thời kỳ kéo dài đến hơn 30 năm kể từ ngày thành lập là hơn 4,6 tỷ đồng. Thế nhưng vốn lưu động chỉ có hơn 500 triệu đồng. Số vốn cố định còn lại hơn 4 tỷ đồng ấy chủ yếu là “nợ khó đòi” trong xã viên.

Những ngày đầu mới sáp nhập, Ban Giám đốc HTX Phổ Vinh tập trung hoàn chỉnh Điều lệ, củng cố tổ chức và rà soát lại phương án hoạt động kinh doanh. Loay hoay mãi, HTX Phổ Vinh vẫn quyết định chọn 4 lĩnh vực như trước đây 2 HTX nông nghiệp I và II hoạt động, để làm phương án cho HTX mới Phổ Vinh bây giờ. Đó là dịch vụ thủy lợi, dịch vụ làm đất, dịch vụ giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu và dịch vụ máy gặt.

Thực hiện đề án đổi mới HTX, từ năm 2012 xã Phổ An (Đức Phổ) đã thành lập ban chỉ đạo sáp nhập của HTX.  Theo kế hoạch, ngày 25.10.2013 Phổ An sẽ đại hội xã viên HTX để hợp nhất. Theo đó, Ban Giám đốc HTX Phổ An sẽ là những cán bộ chuẩn về trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm. UBND xã cũng đã có kế hoạch cấp gần 1.000m2 đất ở vị trí thuận lợi kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, cây con giống và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng trụ sở HTX, ổn định hoạt động bước đầu. Tuy nhiên, những băn khoăn cho ngày sáp nhập vẫn còn không ít.

Sau khi sáp nhập, ngoài lĩnh vực kinh doanh “truyền thống” thì trong phương án kinh doanh mới của HTX Phổ An sẽ có thêm dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, dịch vụ môi trường; hướng đến dịch vụ tín dụng nội bộ, xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, để HTX Phổ An “chạm” đến những lĩnh vực mới cần thời gian dài. Bởi lẽ, công trình nước sinh hoạt tại xã hiện đang trong giai đoạn thi công, chưa đến ngày bàn giao, quản lý, vận hành. Dịch vụ môi trường thì đang nằm trong tay một tổ chức khác, cần phải mất thời gian đàm phán. Riêng tín dụng nội bộ và xây dựng cơ bản, mặc dù là hoạt động thiết thực, nhưng vẫn là “tiềm năng”. Để thực hiện được phải có điều kiện cần và đủ, nhưng hiện tại HTX Phổ An chưa sẵn sàng đáp ứng những điều kiện này, đặc biệt là vốn.

Về vốn, ông Phạm Hoài Nam – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, tỉnh đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với số vốn ban đầu khoảng 15 tỷ đồng, nên HTX không lo thiếu vốn. “Dân không sợ góp vốn vào HTX. Họ chỉ sợ HTX sử dụng không đúng mục đích, chiếm dụng vốn góp. HTX phải làm sao giải quyết các băn khoăn này để dân tin”, ông Nam nhấn mạnh.

... và những nỗi lo

Ông Nguyễn Bay – Phó Bí thư Đảng ủy xã Phổ An cho rằng, khó khăn khách quan quá lớn làm cho HTX không phát triển được. Sáp nhập là cần thiết nhưng tìm giải pháp để HTX có thể phát triển mới là điều quan trọng hơn. Không thể để sau khi sáp nhập HTX vẫn như trước đây. “Chỉ có cái tên gọi mới mà không có nội lực mới thì không thể có một HTX phát triển như mong muốn được” – ông Bay khẳng định

Còn ông Ngô Đình Long - Chủ tịch UBND xã Đức Phong (Mộ Đức) - địa phương có đến 5 HTXNN thì, 5 trong 1 hoạt động tất yếu sẽ rất thuận lợi và tiết kiệm được rất nhiều thứ. Vấn đề là tìm đâu ra người có trình độ chuyên môn đảm nhận vị trí đầu tàu? Sinh viên mới ra trường thì không thèm HTX. Còn đội ngũ cũ lớn tuổi thì hết hạn đào tạo! Chẳng thế mà đến giờ, toàn tỉnh chỉ mới có hai địa phương là Tịnh Trà (Sơn Tịnh) và Phổ Vinh (Đức Phổ) thực hiện sáp nhập các HTX.

Trước khó khăn trên ông Nguyễn Tấn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An đề nghị: “Đổi mới HTX theo hướng sáp nhập là chủ trương lớn, các cấp chính quyền cần quan tâm giúp cho địa phương, đặc biệt là vốn, cơ chế. Không nên sinh ra HTX rồi bỏ đói, để HTX tiếp tục rơi vào tình trạng còi cọc như lâu nay”.

Như vậy, để mở được lối cho HTXNN, điều kiện cần và đủ là con người. Do đó, ngoài nỗ lực thoát lối tư duy cục bộ, đảm bảo điểm hòa vốn đó là lương và chi phí hoạt động, thì HTX rất cần động thái khuyến khích và thu hút nhân lực có trình độ về đầu quân cho HTX từ phía các ngành chức năng.

M. HOA - T.NHỊ
 


.