Hợp tác xã yếu kém: Giải cứu hay giải thể?

01:07, 21/07/2013
.

(QNg)- Quảng Ngãi là địa phương có nhiều hợp tác xã so với bình diện chung của cả nước. Thế nhưng số lượng HTX xếp vào diện yếu, kém cũng không phải là ít. Giải quyết những HTX yếu kém này nên chọn giải cứu hay giải thể?

TIN LIÊN QUAN


 Thành công từ “cởi trói",  "thúc đẩy” !

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước không ngừng thay đổi để hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế HTX. Đầu tiên là HTX kiễu cũ với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất và phân phối sản phẩm theo kế hoạch của Nhà nước. Đến giai đoạn đổi mới kinh tế đất nước, mô hình HTX kiểu cũ không còn lý do để tồn tại. Năm 1996 chính sách HTX mới được cụ thể hóa trong Luật HTX. Hàng ngàn HTX có cơ hội ổn định, tồn tại và phát triển. Năm 2003, Luật HTX tiếp tục được bổ sung, sửa đổi. Hàng loạt HTX đã tự chuyển đổi sang làm dịch vụ “đầu ra – đầu vào” trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó không ít HTX đã thành công.

 

Con tàu 400 mã lực do xã viên HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy gia công chuẩn bị hạ thủy.
Con tàu 400 mã lực do xã viên HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy gia công chuẩn bị hạ thủy.


Ngay thời điểm ấy, tại Quảng Ngãi có HTX vận tải Thống Nhất, HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy đã tự tìm tòi hướng đột phá đi lên bằng chính sức mạnh của mô hình kinh tế mang tính liên kết vì cộng đồng này. Hiện nay HTX vận tải Thống Nhất có 65 đầu xe, trong đó có nhiều đầu xe mang tên “HTX vận tải Thống Nhất”. Hiện tại thu nhập của xã viên HTX này ổn định với mức khoảng hơn 7 triệu đồng/xã viên/tháng. Nhiều xã viên đã mạnh dạn góp vốn tới hơn nửa tỷ đồng vào HTX để cùng tìm việc làm, tạo thu nhập. Thu nhập của thành viên Ban Quản trị HTX cao nhất lên đến 18 triệu đồng/tháng; số còn lại cũng khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hiện HTX vận tải Thống Nhất được xếp vào tốp 100 HTX điển hình tiên tiến của cả nước.

HTX đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy năm 2000 đứng trên bờ vực phá sản do thua lỗ trong dự án đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ. Chủ nhiệm HTX lúc ấy đã “chuồn” khỏi địa phương. Người được tiến cử thay thế vai trò chủ nhiệm là ông Phan Như Huỳnh. Với bản tính cần cù, cộng thêm kinh nghiệm một thời đã từng làm thợ đóng tàu, sự giúp sức của Liên minh HTX tỉnh, ông Chủ nhiệm Huỳnh đã vực dậy HTX này từ con số 0 đến điển hình tiên tiến toàn quốc! “Một phần do nội lực, một phần do may mắn là có sự cởi mở, thúc đẩy từ chính sách phát triển HTX của Đảng, Nhà nước nên HTX Cổ Lũy mới có được như ngày hôm nay” – ông Phan Như Huỳnh khẳng định.

Phải củng cố, liên kết lại…

Trong khi nhiều HTX đã biết tận dụng cơ hội, đổi mới để tồn tại, phát triển đi lên thì cũng có không ít HTX dậm chân tại chỗ, “sống qua ngày”. Hiện tại trong tổng số 272 HTX của cả tỉnh thì chỉ có 24 HTX điển hình; khoảng 110 HTX khá, trung bình. Còn lại hơn 50% là HTX yếu, kém. Trong khi đó, theo mục tiêu đề ra, đến năm 2015 tỉnh Quảng Ngãi  phải có 55% HTX khá, giỏi; hạ tỷ lệ HTX yếu kém xuống còn dưới 10%. Ông Phạm Hoài Nam – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nói vui: “Đại đa số các HTX nông nghiệp hiện nay sống nhờ vào thủy lợi phí. Các HTX yếu kém thuộc lĩnh vực thủy sản, vận tải thì hầu như đã và đang chết lịm”.

Phương án vực dậy các HTX diện yếu kém đã được Liên minh HTX bàn bạc, xem xét và đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, đối với các HTX yếu kém nhưng còn khả năng phục hồi thì Liên minh HTX tỉnh sẽ làm việc với chính quyền địa phương để thống nhất chủ trương củng cố. Ông Phạm Hoài Nam cho biết thêm: “Củng cố ở đây có nghĩa là hợp nhất, liên kết nhiều HTX lại thành một HTX. Bài toán này khó nhưng muốn giữ được HTX thì phải quyết tâm làm”. Điều này cũng có nghĩa là sau khi hợp nhất, con số HTX của tỉnh sẽ hạ xuống thấp hơn nhiều so với hiện nay. “Ít HTX thôi nhưng có cái nào là ổn cái đó. Nhiều mà chỉ có danh không có phận thì không nên” – ông Nam bày tỏ quan điểm.

Thế nhưng hiện tại, không ít địa phương khi có chủ trương củng cố HTX thì lại nghĩ ngay đến chuyện sẽ giải thể tất cả những HTX yếu kém trên địa bàn. Cơ sở vật chất của nhiều HTX đã được chính quyền địa phương tính đến phương án cho doanh nghiệp thuê để kinh doanh! Nhiều HTX dẫu làm ăn không hiệu quả nhưng không ít con người đã gắn bó với HTX trên 30 năm nay. Nếu HTX giải thể họ rơi vào cảnh bơ vơ.

...và mạnh dạn giải thể những HTX quá yếu kém

Phải khẳng định một điều là không phải tất cả những HTX yếu kém đều không nên giải thể! Thế nhưng việc giải thể HTX hiện nay nhiều nơi lại coi là quá phức tạp nên cứ để HTX tồn tại theo kiểu “hữu danh vô phận”. Nhiều nơi việc giải thể HTX lại xảy ra mâu thuẫn ngay trong chính nội bộ chính quyền địa phương sở tại.

Đơn cử như HTX dịch vụ thủy sản Đức Phong. Từ khi thành lập đến nay HTX này nằm trong tình trạng “trắng” tất cả từ trụ sở, bộ máy đến xã viên, việc làm. Ông Chủ tịch UBND xã Đức Phong Lê Đình Long cho rằng, cần giải thể HTX này sớm vì thực tế nó đã “khai tử” ngay sau khi vừa “khai sinh” rồi. Thế nhưng một cán bộ khác của xã lại cho rằng: Không nên giải thể mà tập trung củng cố theo cách “cộng” HTX thủy sản “chết yểu” này vào HTX điện mà hiện cũng đang trong tình trạng “lay lắt”!  

Một kết quả của bài toán hợp nhất HTX yếu kém lại với nhau cần đặc biệt lưu tâm là:  HTX yếu +  HTX kém  =  HTX yếu kém. Với xuất phát điểm này khi nào HTX được hợp nhất ấy mới có thể đứng dậy, bước đi, hòa mình vào nền kinh tế tập thể để đảm trách vai trò “trụ cột” như bản chất vốn có của nó ? Vì vậy, Liên minh HTX tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cùng với chính quyền địa phương kiên trì rà soát HTX yếu kém; làm việc với ban quản trị từng HTX để lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với việc có nên giải cứu cho HTX yếu kém hay giải thể các HTX này. Công tác giải thể tuy là nhiệm vụ chủ yếu của xã viên HTX và việc giải thể không được áp đặt chủ quan, nhưng cần phải có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.

Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh xác định, kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt  và kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Vì thế chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan cần tổ chức rà soát để sớm có chính sách, cơ chế cụ thể, khuyến khích phát triển mạnh hơn các HTX cũng như xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Quá trình củng cố HTX cần phải thận trọng, khách quan, vì mục tiêu phát triển loại hình kinh tế tập thể này.

Ông Phạm Hoài Nam – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Củng cố HTX quan trọng nhất là phải củng cố nhận thức của cán bộ, xã viên HTX. Chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, xã viên phải đổi mới về tinh thần tự nguyện tăng thêm vốn góp để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, góp ý xây dựng phương án kinh doanh có hiệu quả.

Kinh tế HTX không coi lợi nhuận là mục tiêu tối thượng mà chỉ coi lợi nhuận là phương tiện để gia tăng quy mô và hiệu quả hoạt động phục vụ lợi ích cho xã viên, cộng đồng. Vì thế phải quyết giữ lại và đầu tư cho những HTX còn cơ hội phát triển, nhưng cũng cần phải giải quyết dứt điểm nhưng HTX không còn khả năng phục hồi.

Ông Võ Đức Trung – Bí thư Đảng ủy xã Đức Hòa: Ngành nông nghiệp vẫn còn chiếm ưu thế lớn trong kinh tế địa phương nên việc củng cố, phát triển HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp là cần thiết. Thế nhưng để HTX phát huy vai trò, có đóng góp thiết thực vào đời sống nông dân, nông nghiệp và nông thôn thì huyện và tỉnh cần phải xem xét hỗ trợ cho HTX hoạt động. Điều cần thiết nhất là hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ xã viên; cho vay vốn, hỗ trợ thêm phương tiện làm việc; có cơ chế hỗ trợ cho HTX thu hồi nợ đọng trong xã viên.

Ông Trần Đức Sơn – Phó Chủ nhiệm HTX Đông Hòa (Mộ Đức): Một thời HTX mang nặng tính cấp phát theo kế hoạch Nhà nước đã ăn sâu vào nhận thức của một bộ phận xã viên hiện nay. Từ đó, khi HTX cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp, xã viên thường vẫn nhận thức đây là “của HTX” nên thiếu trách nhiệm trong trả nợ, dẫn đến nợ xấu tăng cao. Để phát triển HTX thì xã viên phải cộng đồng trách nhiệm, thay đổi nhận thức và thực sự coi “HTX là nhà”. Mọi phương án giải cứu HTX đều có thể bị thất bại nếu xã viên chưa thay đổi nhận thức về kinh tế HTX trong tình hình mới.

Ông Lê Sỹ Thạnh – Chủ nhiệm HTX vận tải Thống Nhất: Những HTX yếu kém mà còn khả năng phục hồi phải được cân nhắc tìm giải pháp giải cứu. Giải cứu có thể là cho HTX cơ chế vốn, việc làm, đào tạo kỹ năng quản lý cho Ban quản trị. Giải thể HTX là xóa đi HTX, giải thể càng nhiều HTX thì vai trò kinh tế tập thể không ít thì nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.             

 


                                                             Thanh Nhị
 


.