Người giữ nghề cho làng gốm Mỹ Thiện

07:10, 09/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Anh Đặng Văn Trịnh ở làng Mỹ Thiện (nay là Tổ dân phố 2), thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) bộc bạch với tôi: Nghề gốm vất vả, lại phải khéo tay chuốt - tạo hình, phải biết kỹ thuật pha trộn đất, đốt lò, biết đắp hình trang trí trên sản phẩm. Nhưng khó nhất là phải biết tạo màu men, biết cách phủ men lên sản phẩm. Gốm Mỹ Thiện được người ta ưa chuộng là nhờ đồ sành, đặc biệt là đồ men.

TIN LIÊN QUAN


Nghề gốm Mỹ Thiện bây giờ không còn hưng thịnh như ngày xưa. Nhiều người đã bỏ nghề vì sự vất vả, nhọc nhằn, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường. Anh Trịnh đã bao lần thao thức, trăn trở với việc bỏ hay giữ lại cái nghề của làng, của cha ông mỗi khi phải đối mặt với những khó khăn, túng thiếu. Nhưng rồi anh tự động viên mình phải cố sống với nghề, phải làm sao giữ được cái nghề truyền thống. “Cả làng Mỹ Thiện từ nhiều năm nay chỉ còn một mình tôi giữ nghề, nhưng các sản phẩm tôi làm và bán ra thì ai cũng gọi là gốm Mỹ Thiện. Vì thế tuy mình có khổ, nhưng cái tên làng nghề của mình còn tồn tại trong cuộc sống hôm nay là sướng quá rồi”, anh Trịnh nói.

 

 Sản xuất đồ gốm tại cơ sở của anh Đặng Văn Trịnh.
Sản xuất đồ gốm tại cơ sở của anh Đặng Văn Trịnh.


Lấy một chiếc bình phủ men rất độc đáo do chính mình làm ra để giới thiệu cho tôi xem, anh Trịnh tự hào bảo có được nó là nhờ ông nội anh đã dạy cho anh từ cách đắp hình trang trí đến cách pha chế và phủ men lên sản phẩm khi còn là học sinh cấp 2. Bị cuốn hút bởi cái đẹp của sành sứ, năm 17 tuổi anh đã ngưng chuyện học hành để theo nghề gốm. Anh lại lục tủ  đem ra một chiếc phong bì, trong đó có chứa nhiều hình ảnh được gởi đến vợ chồng anh hồi tháng 8.2007 từ đôi vợ chồng người Mỹ ở tận Washington.

Anh lấy một tấm ảnh, trong đó có chụp một chiếc lọ sành cổ đưa cho tôi xem rồi giải thích: “Đây là chiếc lọ mà đôi vợ chồng người Mỹ này chụp ở một bảo tàng của nước Mỹ. Từ chiếc lọ này, họ sang Việt Nam cố tìm cho ra cái làng gốm nào đó đã làm ra nó. Sau khi đi qua nhiều làng gốm, cuối cùng họ tìm đến Mỹ Thiện và dừng lại ở nhà tôi. Sau khi xem xét, so sánh, họ ôm lấy vợ chồng tôi và mừng rỡ nói rằng cái lọ sành  ở cái bảo tàng bên ấy đích thị là do làng gốm Mỹ Thiện làm ra ngày trước…”.

Đôi vợ chồng người Mỹ ấy là Louis Cost và Leedom Lefferts - chuyên viên của các bảo tàng Freer Gallery of Art và Arthur M. Sackler Gallery. Họ nói với anh Trịnh rằng  họ rất quý chiếc lọ sành cổ ấy bởi vì sự bền chắc, có da láng, màu tươi, kiểu dáng và hoa văn thanh nhã. Những lời khen ngợi của đôi vợ chồng người Mỹ ấy dành cho gốm Mỹ Thiện như là ngọn lửa tiếp sức,  thôi thúc cho anh Trịnh tiếp tục nỗi đam mê, gắn bó với nghề gốm sứ không biết mệt mỏi, ngay cả những lúc gian nan, vất vả nhất. Anh  kể cơn bão số 9 năm 2009 đã quật nát lò nung gốm, làm cho gia đình anh gần như bị trắng tay.

Không nản chí, anh chạy vạy khắp nơi vay mượn vốn để đầu tư trở lại. Điều anh không ngờ đến là hai ông bà Louis Cost - Leedom Lefferts đã điện thoại thăm hỏi và họ đã giúp cho anh một ít vốn để khôi phục nghề. “Đồng tiền của họ giúp mình trong lúc ngặt nghèo là quý; nhưng càng quý hơn là cái tình họ dành cho mình cũng chỉ vì họ biết mình đang theo giữ nghề gốm truyền thống của ông cha để lại”, anh Trịnh bảo.

Nghề gốm Mỹ Thiện vẫn sống tuy hiện nay số lượng sản phẩm đưa ra thị trường đã bị giảm sút rất nhiều. Làng gốm xưa có cả trăm hộ, có hợp tác xã với khá đông xã viên đã bị giải tán từ hơn 20 năm trước đây. Bây giờ ở làng gốm chỉ còn một mình anh Trịnh còn theo nghề. Bên cạnh nỗi vui mừng còn giữ được nghề, anh Trịnh vẫn luôn băn khoăn: “Có nhiều người gọi tôi là nghệ nhân, là người thợ gốm, người Môhican cuối cùng của Mỹ Thiện. Nghe như vậy nghĩ  cũng buồn quá! Chẳng lẽ sau tôi, không còn ai ở đây tiếp tục làm nghề gốm nữa hay sao?”.

Tuy nhiên anh cũng phải thừa nhận rằng: “Thợ gốm nữ - những người chuyên lo khâu chuốt sản phẩm ở Mỹ Thiện đều đã lớn tuổi, còn cánh thợ đàn ông chuyên lo khâu nung, đắp hình, làm men ở lớp tuổi của tôi thì hầu như không còn ai”. Anh Trịnh cho biết, năm 2011 anh đã đảm nhận dạy nghề chuốt sản phẩm gốm sứ cho bốn phụ nữ của làng, nhưng do kinh phí cấp trên hỗ trợ chỉ đủ để học nghề trong khoảng thời gian chừng một tháng rưỡi, nên họ chỉ mới biết chuốt sản phẩm được tàm tạm là đành phải nghỉ. Điều đáng mừng là những sản phẩm gốm do gia đình anh Trịnh làm ra hiện nay như chum, ché, độc bình men… đã  được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Bình Sơn, được thị trường chấp nhận, mỗi năm đưa lại doanh thu hơn 100 triệu đồng.

Những hồi ức vang bóng một thời của làng gốm Mỹ Thiện bây giờ được lưu giữ bởi anh Đặng Văn Trịnh. Điều ước ao của người giữ nghề cho làng này là mong được cấp trên giúp đỡ, hỗ trợ để nghề gốm Mỹ Thiện không bị mai một.


V.MỸ - H.GIANG


.