(Báo Quảng Ngãi)- Giá tôm tăng, lẽ thường người nuôi và doanh nghiệp (DN) phấn khởi. Ấy vậy mà vừa qua, tôm đột ngột tăng giá lại khiến “dân cười, DN mếu”. Qủa thật về lâu dài, động thái này dễ khiến thị trường bất ổn, còn hoạt động nuôi tôm cũng bị đảo lộn...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cách đây một tuần, giá tôm đạt 160.000-165.000 đồng/kg (loại 75 con/kg); 140.000 -150.000 đồng/kg (loại 100 con/kg). Mức giá này được xem là tương đương, thậm chí cao hơn một số thời điểm “vàng” như lễ, Tết. Điều đáng nói là tôm được thương lái Trung Quốc nâng giá và tận thu đúng vào thời điểm giao mùa nên dễ khiến người dân ồ ạt thả nuôi trái vụ; còn DN thì bị khan hiếm nguyên liệu xuất khẩu.
Giá tăng: Mừng ít lo nhiều
Nhiều chủ hồ tôm bảo rằng, có nằm mơ họ cũng không ngờ giá tôm lại cao ngất ngưởng ngay vụ chính. Vì thông thường, mức giá trên chỉ được xác lập vào các dịp lễ, tết hay trái vụ. Đã thế, thương lái thu mua tôm đợt này rất dễ tính. Tức là họ không những không “kén” tôm như mọi khi, mà còn “quên” yêu cầu kiểm tra dư lượng kháng sinh. Bởi, theo các chủ hồ tôm ở xã Đức Phong (Mộ Đức) thì những vụ trước, thương lái thường làm khó nông dân bằng cách chê tôm tối màu, độ đồng đều không cao; thậm chí còn đòi lấy mẫu xác định lượng kháng sinh tồn dư… để ép giá. “Nhưng đợt vừa rồi, tôi bất ngờ khi thấy họ vét sạch tôm-cả con lớn lẫn nhỏ mà vẫn vui vẻ, chẳng chê lấy một lời”, chủ hồ N.V.B. ở xã Đức Phong cho hay.
Dù gặp nhiều rủi ro nhưng hiện giờ, không ít nông dân vẫn cho hồ tôm hoạt động với hy vọng trúng sản lượng và được giá. |
Quả thật, xét về khía cạnh tiêu thụ thì việc tôm có giá là tín hiệu mừng vì điều này sẽ tạo động lực kích cầu thị trường, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, giá tôm bất ngờ “vọt” trong thời gian vừa qua không xuất phát từ phía DN trong nước, mà là vì thương lái Trung Quốc ráo riết tận thu. Và ai cũng biết, hệ lụy của cách làm này sẽ khiến thị trường bất ổn do “khan” hàng và sốt giá ảo. Điều này không chỉ đẩy các DN kinh doanh xuất khẩu tôm rơi vào thế “mua thì lỗ, không mua thì bù lỗ”; mà còn khiến người dân ồ ạt thả nuôi tôm trái vụ, bất chấp rủi ro cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng.
Nhưng quan ngại nhất là khi tôm sốt giá, người dân rất dễ phá vỡ quy trình nuôi an toàn. Tức là để nhanh có sản phẩm xuất ra thị trường, họ sẽ tái sử dụng chất tăng trọng, tăng trưởng. Đến lúc đó, không ai dám chắc thương lái Trung Quốc sẽ vẫn dễ dãi và “quên” kiểm tra chất lượng tôm như bây giờ. Và, nếu con tôm bị phát hiện dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép thì không chỉ DN, mà nông dân cũng sẽ “điêu đứng”. Điều này thì ngay ông T.V.P., chủ hồ tôm ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) cũng thừa nhận rất dễ xảy ra. Vì sự dễ tính vừa rồi của thương lái như ngầm khuyến khích người nuôi giữa lúc họ nôn nóng tìm cách gỡ gạc chi phí sau mấy vụ thua lỗ.
Sớm đưa tôm vào “guồng”
Không chỉ con tôm mà lâu nay, rất nhiều mặt hàng nông-lâm-thủy hải sản của nông dân đã nếm “quả đắng” sau khi thương lái Trung Quốc ồ ạt gom hàng. Nhưng dường như, bài học này đã bị nhiều người lãng quên mỗi khi có sản phẩm sốt giá. Tuy nhiên, nếu các sản phẩm của nông dân được “đỡ đầu” thì liệu nó có bị những đối tượng trên thao túng? Ngay như con tôm. Dù đã từng giảm nghèo cho hàng nghìn hộ dân nhưng rốt cuộc, số phận của nó vẫn bị buộc chặt vào thương lái. Và câu hỏi được đặt ra là, DN đã ở đâu giữa lúc nông dân và con tôm cần họ?. Phải chăng chính DN cũng không mặn mà trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững với người nuôi tôm?
Giá tôm tăng đột biến, dễ khiến người dân ồ ạt xuống giống và “phá” vỡ quy trình nuôi an toàn. |
Thực tế, sau khi con đường xuất ngoại của tôm thẻ chân trắng được mở rộng thì nhu cầu tiêu thụ nó cũng tăng đột biến. Nhưng hiện tại, nguồn cung của đối tượng này lại hạn hẹp do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều chủ hồ than rằng dù tôm “khan” hàng, các DN vẫn không tăng giá thu mua, hoặc nếu có thì cũng chỉ nhích từng chút một. “Đây chính là nguyên nhân khiến thương lái Trung Quốc có cơ hội làm giá và khống chế thị trường” - Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Sơn Phan Diệp thẳng thắn chia sẻ. Ông Diệp cũng cho rằng, lâu nay nghề nuôi tôm luôn được xem là yếu hạ tầng, thiếu “bà đỡ” nên nông dân cứ phải tự bơi. Mà đã thế thì ngoài giá cả, họ cũng chẳng quan tâm nhiều đến đối tác tiêu thụ, diễn biến thị trường hay số phận DN. Do đó, chuyện họ bỏ mối cũ, bán sản phẩm cho mối mới cũng chẳng có gì lạ.
Tuy nhiên điều đáng nói là, dù đã gây sóng gió cho thị trường nội địa nhưng lâu nay, kiểu “ăn xổi ở thì” của thương lái nước ngoài vẫn nhởn nhơ tồn tại mà chưa vấp phải rào cản nào từ phía các ngành chức năng lẫn DN. Mà để tạo được rào cản này thì trước hết, DN phải chủ động gỡ bức tường khoảng cách của mình với nông dân. Cụ thể là điều chỉnh mối quan hệ và bắt tay hợp tác với họ trong việc đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý. Về phía các ngành chức năng, cần nghiên cứu hoạch định cơ chế chính sách hỗ trợ DN và nông dân, đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp kiểm soát đầu vào nhằm đảm bảo hoạt động nuôi tôm đạt hiệu quả bền vững.
*Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô: Để nâng cao hiệu quả nuôi tôm, bên cạnh việc khuyến cáo người dân kiểm soát các yếu tố đầu vào thì sắp tới, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, bảo đảm an toàn vùng nuôi cũng như thực hành sản xuất tốt (GMP). Đồng thời nghiên cứu xen canh, thâm canh các đối tượng mới, có đầu ra ổn định. Về chuyện thương lái nước ngoài đẩy giá thu mua, trong khi chờ các Bộ, ngành TƯ có biện pháp giám sát, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân cẩn trọng, không trúng kế của đối tượng trên để cho ra đời sản phẩm tôm kém chất lượng. Bởi không loại trừ khả năng thương lái Trung Quốc dùng giá cao để “gài” nông dân phá vỡ quy trình nuôi. Đến lúc đó, thông tin tôm bị nhiễm kháng sinh, dư lượng chất tăng trọng, tăng trưởng cao được họ lan truyền sẽ khiến uy tín tôm Việt Nam trên thị trường thế giới suy giảm, con đường xuất ngoại bị bó chặt, kéo theo ngành nuôi trồng và hoạt động xuất khẩu đình trệ. Thiệt hại kinh tế vì thế sẽ rất lớn. *Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: Tôm được xem là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn nhất, lại khó xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa vì nguồn cung đang rất hạn chế. Vì vậy chuyện các DN, đại lý trong và ngoài nước cạnh tranh nguồn nguyên liệu bằng cách phá giá thu mua là điều khó tránh khỏi. Do đó, để không bị thương lái nước ngoài “cuỗm” tay trên, các DN nên xây dựng kế hoạch làm ăn trực tiếp với nông dân theo hướng bền vững, đôi bên cùng có lợi. Đồng thời để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, các ngành chức năng cũng phải xem xét động cơ, mục đích phá giá của các cá nhân, tổ chức nước ngoài để tránh “quả bóng” thị trường bị họ tùy ý điều khiển. *Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong (Mộ Đức) Đinh Văn Bé: Chính quyền địa phương chỉ quản lý hoạt động nuôi trồng, khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ cũng như áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn bằng cách dùng chế phẩm sinh học…Còn chuyện mua bán giữa nông dân và thương lái, chúng tôi không can thiệp. Vì cơ chế thị trường là thuận mua vừa bán. Ai trả mức giá cao hơn, tất được sản phẩm. Do đó, trước khi trách thương lái nước ngoài khuấy đảo thị trường, DN và các đơn vị liên quan hãy tự thẩm vấn bản thân vì sao không tạo ra được những mức giá thu mua có lợi nhất cho nông dân? *Bà Võ Thị Kim Tiến, thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức): Nuôi tôm được ví như đánh bạc. Nhưng đây là canh bạc mưu sinh của nông dân khi mà tất cả tài sản, công sức và cả số phận gia đình đều phụ thuộc vào nó. Ấy thế nhưng khi chúng tôi bị thiệt hại do thiên tai, thì chẳng được ai hỗ trợ, giúp đỡ. Thậm chí mấy năm liền, người nuôi tôm lao đao, khốn khổ nhưng có DN hay đại lý nào tự nguyện chia sẻ gánh nặng ấy không? Ấy thế mà lúc tôm được mùa, họ lại kì kèo, ép giá. Với cách hành xử này, làm sao chúng tôi dám chung tình với một “mối”. |
Bài, ảnh: MỸ HOA