Giải pháp nào cứu tôm thẻ chân trắng?

09:03, 22/03/2013
.

(QNĐT)- Theo lịch thời vụ, các hồ đã tiến hành thả tôm giống đợt 1 năm 2013 được gần 20 ngày. Nhưng nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh hiện vẫn án binh bất động. Nhiều diện tích hồ nuôi tôm trên cát bỏ hoang phế vì liên tục thất bại.

TIN LIÊN QUAN


“Treo” hồ, ôm nợ

Thời điểm này, chúng tôi tìm về các vùng nuôi tôm xã Đức Phong (Mộ Đức), không khí thật vắng vẻ. Máy bơm nước, tuabin, xe kít… nằm chơ vơ trên bờ cát, chưa có dấu hiệu bắt đầu vụ mới.

Chỉ tay về ruộng tôm bờ bãi xập xệ, ông Phạm Đủ (56 tuổi) ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong nói: “Mọi năm người ta thả giống hết rồi còn năm nay chưa ai động tĩnh gì. Thả đâu chết đó làm sao chúng tôi dám thả nữa. Chắc bỏ hoang thôi”

Ông Đủ bắt đầu nuôi tôm từ năm 2002 với hơn 8.000m2. Những năm trước vụ nào ông cũng thu được vài trăm triệu đồng, nhưng 3 năm trở lại đây năm nào cũng lỗ hơn 100 triệu đồng. Dù đã ra sức nạo vét hồ, xử lý nước, kiểm tra độ pH, chọn giống kỹ lưỡng, nhưng thả giống được vài mươi ngày là chết hàng loạt. Giờ thì ông đành “treo” hồ.

Không khí tại vùng nuôi tôm đồng Đá Bia và Cồn Ngao, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) cũng ảm đạm, buồn hiu dù đang là thời điểm xuống giống. Ông Nguyễn Văn Hưng- Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Bình Chánh cho hay, vụ này toàn xã chỉ có 10/31,5 ha diện tích hồ nuôi tôm thả giống, nhưng đã có hơn 2 ha của 5 hộ nuôi bị bệnh. Nguyên nhân tôm chết là do bà con lấy giống trôi nổi ở Quảng Nam, phần lớn chưa qua kiểm dịch.

 

Nhiều diện tích nuôi tôm trong tỉnh bỏ hoang vì liên tục thất bại.



Cả vùng nuôi tôm trên cát ở tỉnh ta có 690 ha hiện chỉ vài chục ha hồ thả giống. Từ năm 2010 đến năm 2012, nhiều hộ mất trắng, thậm chí chỉ sau một đêm đã trở thành con nợ vì tôm chết hàng loạt.

Nguyên nhân tôm bị dịch bệnh cũng được chỉ ra bởi nhiều yếu tố. Đó là việc người dân không tuân thủ lịch thời vụ. Nhiều người nuôi tôm trong khi không am hiểu về kỹ thuật nuôi, nguồn thức ăn, các biện pháp phòng và trị bệnh cho tôm, vệ sinh hồ nuôi....

Tuy nhiên, nhiều hộ đã làm tốt tất cả các khâu nhưng tôm chết vẫn hoàn chết. Đặc biệt tôm nuôi từ 15 đến 40 ngày tuổi có biểu hiện ngừng ăn, bơi chậm chạp, nổi đầu tấp mé bờ, màu tôm nhợt nhạt và chết nhanh khiến người nuôi không kịp trở tay mà không rõ nguyên nhân.

Không chỉ ở tỉnh ta mà các vùng nuôi tôm khắp cả nước đều bị chết do dịch bệnh, ước tổng thiệt hại lên đến 4.000 tỷ đồng. Các nước như Trung Quốc và Thái Lan cũng rơi vào tình trạng tương tự.

* Giống xấu: Nguyên nhân chính

Sau hơn một năm nghiên cứu, Bộ NN&PTNT đã xác định được nguyên nhân khiến tôm chết sớm thời gian qua là do hội chứng hoại tử gan tụy (AHPNS), trong đó có nhiễm vi khuẩn Vibrio.

 

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt trong thời gian qua là do giống xấu.



Tôm nhiễm bệnh có biểu hiện hôn mê, bỏ ăn, bơi mé bờ, tỷ lệ chết lên đến 100%. Qua kiểm tra lâm sàng cho thấy: gan tụy co lại, có những vết hơi trắng và đen, vỏ mềm, vỏ thường có màu đen... Đặc biệt là cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều bị nhiễm bệnh này.

Theo Bộ NN&PTNT thì nguyên nhân tôm có hội chứng trên là do nhiều yếu tố như: thả nuôi trong ao có thuốc bảo vệ thực vật, oxy hòa tan thấp, độ mặn cao. Trong đó giống xấu (nhiễm vi khuẩn Vibrio, có dấu hiệu bất thường về gan tụy),  khiến tôm chết sớm là nguyên nhân chính.

* Kinh nghiệm từ những người đi tiên phong

Anh Nguyễn Trung Phước, một người nuôi tôm ở Vũng Tàu cho biết, hiện tượng Hội chứng hoại tử gan, tụy tôm đã làm cho anh cũng như các hộ nuôi lân cận có lúc mất trắng. Quyết tâm nghiên cứu tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này, năm 2011 anh đã đầu tư cải tạo ao nuôi, cho ăn theo quy trình công nghệ vi sinh hiện đại.

Đặc biệt, nhận thấy những ưu điểm tôm giống của Công ty TNHH Thông Thuận, anh đã mạnh dạn thay giống cũ bằng giống tôm thẻ chân trắng cỡ 2-3cm của công ty này. Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ đội ngũ nhân viên công ty, anh đã liên tiếp trúng mùa những vụ tôm gần đây. Đến nay, anh có 4 ha diện tích ao nuôi, doanh thu một vụ hơn 6 tỷ đồng.

Đúc kết kinh nghiệm từ nghề nuôi tôm, anh Phước cho rằng, nghề nuôi tôm cần sự hợp tác chứ không thể mạnh ai nấy làm như hiện nay. Chính việc nuôi tôm ồ ạt, hồ nuôi không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải thải ra cát trực tiếp ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, làm cho dịch bệnh dễ lây lan, một hồ tôm bị bệnh kéo theo nhiều hồ tôm xung quanh bị bệnh theo.

Anh Trần Văn Lợi, người có 8.000 m2 diện tích hồ nuôi tại xã Đức Phong và Bình Chánh chia sẻ, gia đình anh có 4 ao nuôi, cứ thả giống được 20-25 ngày là chết. 4 năm trở lại đây, anh lỗ hơn 700 triệu đồng.

 

Hiện hồ tôm của anh Lợi đang phát triển tốt và qua ngưỡng thời gian của Hội chứng tôm chết sớm. Hứa hẹn một vụ tôm thành công.


Gần đây, anh quyết định chọn mua con giống của Công ty Thông Thuận. Vụ tôm này anh đã thả giống tôm cỡ 2-3cm đã 45 ngày. Hiện tôm đang phát triển tốt và qua ngưỡng thời gian của Hội chứng tôm chết sớm. Hứa hẹn một vụ tôm thành công.


Bà Nguyễn Thị Thúy Hà- Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi cho biết, có đến hơn 50% diện tích tôm nuôi trong tỉnh thời gian qua bị chết là do con giống kém chất lượng, nhất là con giống mua trôi nổi, không được kiểm tra chất lượng.

Để cải thiện tình trạng này, Trung tâm Giống đã cùng Công ty Thông Thuận và các hộ nông dân chuyên nuôi tôm hội thảo nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ tình trạng này, đặc biệt là giống tôm thẻ chân trắng chất lượng cao, sạch bệnh để cung cấp cho người nuôi tôm trong tỉnh.

Vụ tôm này, công ty đã cung cấp giống cho hơn 10 ha diện tích hồ nuôi trong tỉnh nuôi thử nghiệm. Thời điểm hiện tại đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế 100% hiện tượng tôm chết trong tháng đầu.

Để hạn chế dịch bệnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm phải chuẩn bị tốt môi trường ao nuôi như: xử lý bùn; triệt trùng nguồn nước đầu vào, kiểm soát được sự nở hoa của tảo ở trong ao nuôi, kiểm soát được lượng thức ăn trong ao, bổ sung lượng carbon vô cơ nhằm cung cấp năng lượng cho những vi sinh vật hiếu khí để thực hiện quá trình nitrat hóa…, đặc biệt phải chọn giống tốt. Những biện pháp này đã được khảo nghiệm thực tế và bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan.

Bà Hà nhấn mạnh: “Nếu thực hiện tốt các khâu trên, chắc chắn nghề nuôi tôm sẽ sớm hồi sinh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.