(Báo Quảng Ngãi)- Một ngày đầu tháng 9, ngồi trên con tàu cá nhỏ, rong ruổi giữa đại dương mênh mông với ngư dân Lý Sơn, được cùng ăn cơm, kéo lưới cá ngừ giữa vùng biển đảo quê hương, chúng tôi mới cảm nhận được hành trình bám biển của ngư dân đất đảo thật gian nan, vất vả khi mưu sinh trên biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hơn 4 giờ sáng, vừa bước chân xuống con tàu cá QNg 66065 TS, công suất trên 90 CV của ngư dân Trương Đình Cẩn, ở thôn Đông, xã An Hải, chúng tôi đã cảm thấy xây xẩm mặt mày, bởi sóng và gió biển vây quanh.
Trời hửng sáng, tàu nhổ neo rời bến. Trên ca bin, thuyền trưởng Trương Đình Cẩn, đánh mạnh tay lái cho tàu tránh những con sóng to, vừa dõi mắt hướng về phía mũi tàu quan sát hướng nước chảy. Thuyền trưởng Cẩn tâm sự: Gia đình ông nhiều thế hệ đều đi biển, riêng ông đã có thâm niên trên 25 năm bám biển, bám ngư trường theo nghề lưới vây cá ngừ. Theo lịch trình, chuyến biển hôm nay tàu của ông chọn ngư trường cách đảo Lý Sơn khoảng 15 - 20 hải lý về hướng đông bắc để thả lưới. Theo lý giải của thuyền trưởng Cẩn, thời tiết đang giao mùa nên nhiều ngày qua cá ngừ về sinh sống tại ngư trường này sẽ dày hơn.
Đàn cá ngừ mắc lưới được kéo lên thuyền. |
Những ngọn gió đông nam cuối mùa thổi mạnh, kèm theo hơi nước biển phả vào mặt bỏng rát, trên boong tàu, nắng bắt đầu “đổ lửa”. Sáu ngư phủ là những bạn chài đi trên tàu bắt đầu một ngày làm việc. Họ tỉ mẩn kiểm tra lại từng tay lưới, từng rọi chì. Trên 3 ngàn mét lưới để đầy boong tàu đã được chuẩn bị xong. Vừa điều khiển vô lăng con tàu, thuyền trưởng Cẩn vừa đưa tay bật nguồn điện máy dò cá. Từng tia sáng quét ngang dọc màn hình, những chấm đỏ li ti hiện lên màn hình máy dò ngày càng nhiều. Thuyền trưởng Cẩn giải thích, đó là đàn cá ngừ đang di chuyển ở độ sâu trên 10m nước, đàn cá này khoảng 100 đến 200 con. Vừa nói, thuyền trưởng Cẩn vừa dõng dạc ra lệnh cho lao động trên tàu bắt đầu thả lưới. Tàu tăng tốc hướng về phía trước. Gần một giờ hối hả thả lưới bao vây đàn cá, khi những tay lưới cuối cùng trên tàu được thả xuống biển cũng là lúc mặt trời đứng bóng.
Nắng hầm hập như “đổ lửa” làm ai nấy đều mệt nhoài, bữa cơm trưa đạm bạc với chén nước mắm và vài con cá tươi vừa câu, được dọn ra ngay trên boong tàu. Ai nấy đều nuốt vội vài lưng cơm rồi tiếp tục công việc của mình.
Trên ca bin, thuyền trưởng Cẩn đang dõi mắt theo dõi luồng cá trên màn hình máy dò, từng chấm hạt li ti màu nâu đỏ di chuyển ngày càng dày chạy trên màn hình, báo hiệu có luồng cá đang di chuyển vào khu vực thả lưới. Mắt không rời máy dò, thuyền trưởng Cẩn với tay gạt cần ga cho tàu tăng tốc hướng về phía trước. Khi xác định đàn cá đã nằm gọn trong khu vực thả lưới, ông cho tàu hạ ga khép kín vòng vây, rồi ra lệnh cho các lao động khẩn trương kéo lưới bắt cá.
Tuy đã thấm mệt với công việc nặng nhọc và không ngơi tay, nhưng những tay lưới nặng trĩu cuối cùng được kéo lên tàu, chứa đầy cá ngừ thì nét mặt ai cũng rạng rỡ, bởi hôm nay tàu họ “trúng” đàn cá lớn.
Quệt vội những giọt mồ hôi mặn chát trên khuôn mặt đỏ gay bởi nắng nóng và hơi nước biển, ngư dân Trương Minh Hiếu, lao động đi trên tàu tâm sự: Nhiều hôm chúng tôi đánh đến “3 giác” ( thả lưới 3 lần) kéo lưới mỏi rã tay nhưng không có con cá nào đành chịu lỗ. Nhưng có những hôm may mắn chỉ cần thả lưới là cá đóng trắng lưới, bắt không hết phải cắt lưới để thả cá về biển. “Đi biển cũng như đi buôn, lỗ lãi là chuyện thường tình, có chuyến thu nhập cả chục triệu đồng, nhưng có hôm cũng trắng tay về không”, ngư dân Hiếu bộc bạch.
Trời nhá nhem tối, thuyền trưởng tàu quay mũi hướng bờ. Trên boong các lao động đang rôm rả trò chuyện, tuy mệt nhoài nhưng tất cả đều vui. “Tàu mình ít lao động nên mỗi người phải kiêm một, hai việc, như mình vừa lái tàu vừa theo dõi máy dò cá. Chuyến biển này tàu khai thác được trên 5 tạ cá ngừ, với giá bán trên 50 ngàn đồng/kg, trừ chi phí chuyến đi, mỗi bạn chài có thu nhập từ 300 - 400 ngàn đồng, đủ tiền để vợ con mua gạo và trang trải cuộc sống gia đình. Công việc của chúng tôi bắt đầu từ sáng sớm đến chạng vạng tối, tuy vất vả, mệt nhọc nhưng vui, vì ngày nào cũng có thu nhập”, thuyền trưởng Cẩn nở nụ cười mãn nguyện.
Bài, ảnh: Văn Mịnh