(Báo Quảng Ngãi)- Khi các phương tiện cơ giới hóa vào đồng ruộng, người dân vùng cao Ba Tơ chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Với mục đích này, nhiều hộ chăn nuôi trâu có thu nhập khá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đi dọc theo tuyến Quốc lộ 24 đoạn từ km17 ngược về thị trấn Ba Tơ, đến Ba Vì, dưới chân đèo Viôlắc, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những bảng treo bán thịt trâu. Nơi thì treo bảng bán thịt tươi, nơi mở thành quán ăn. Ở các quán này, ngày nghỉ, hay ngày lễ đều đông khách. Thịt trâu nay được bán như hàng hóa xuất phát từ nhu cầu của khách thập phương muốn thưởng thức món ăn truyền thống của đồng bào H’rê Ba Tơ. Những món ăn chế biến từ thịt trâu như: Thịt trâu xá bần, thịt trâu cuốn lá lốt... đã trở thành món đặc trưng mang đậm hương vị ẩm thực người H’rê.
Thu gom rơm rạ làm thức ăn cho trâu trong mùa mưa ở Ba Tơ. |
Nếu trước đây, đồng bào Ba Tơ thường thả rông trâu ra đồng hay lên núi, bất kể trời mưa hay giá rét, thì nay họ đã biết làm chuồng và dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò.
Ông Phạm Văn Mói - thôn Đèo Lâm xã Ba Thành, cho biết: "Thấy trâu có giá, già làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu trong mùa đông. Trước đây, mùa mưa về nước ngập đầy đồng, cỏ không mọc được là lùa trâu lên núi. Có năm trời lạnh, trâu chết rét rất nhiều”.
Ở huyện Ba Tơ giờ đã có nhiều hộ suy nghĩ như ông Mói. Bởi, mỗi con trâu nghé, khoảng hơn 1 năm tuổi đã có giá đến 15 - 16 triệu đồng. Người chăn nuôi ở Ba Tơ biết chăm sóc đàn trâu cũng nhờ vào cán bộ khuyến nông huyện. Trước đây, đồng bào Ba Tơ có truyền thống nuôi trâu làm sức kéo, nhưng do tập quán thả rông lâu đời, chăn nuôi mang tính quảng canh, nên cơ cấu đàn giảm dần, tầm vóc nhỏ, sức đề kháng yếu, dịch bệnh xảy ra nhiều do hiện tượng phối cận thân, cận huyết. Vì thế, mỗi mùa mưa về đàn trâu trong huyện sụt giảm số lượng khá nhiều do chết rét và dịch bệnh, nhưng nay tình trạng này đã được cải thiện.
Huyện Ba Tơ đã triển khai dự án "Hỗ trợ nhân rộng mô hình cải tạo giống và cải tiến kỹ thuật chăn nuôi trâu cho đồng bào dân tộc H’rê, giai đoạn 2008 - 2012" đến 5 xã Ba Tô, Ba Bích, Ba Dinh, Ba Giang và Ba Thành. Dự án đã cung ứng 30 con trâu giống chất lượng, hỗ trợ các vật tư thiết yếu để xây dựng 70 chuồng trâu, cung ứng giống cỏ, thức ăn tinh và thuốc thú y, tổ chức tập huấn kỹ thuật... Qua 4 năm triển khai đến nay, đàn trâu giống của dự án hỗ trợ đã cho ra đời 1.500 con trâu nghé lai, góp phần giảm tỷ lệ trâu đồng huyết trong khu vực. Ngoài việc cải tạo được đàn trâu, loại trâu lai này đã cho hiệu quả về kinh tế. Nếu như con trâu nghé sơ sinh địa phương có trọng lượng khoảng 14 - 15 kg/con, thì loại nghé lai của dự án có trọng lượng đến 21 - 22 kg/con. Sau 3 năm, người chăn nuôi áp dụng kỹ thuật chăm sóc đúng tiêu chuẩn thì sẽ đạt trọng lượng từ 350 - 400 kg/con.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ, Chủ nhiệm dự án, cho biết: "Khi con trâu có giá, bà con nuôi theo hướng hàng hóa nên mô hình này được bà con nhanh chóng áp dụng và nhân rộng. Ngoài phối giống trâu lai, bà con còn biết làm chuồng trại, trồng cỏ và dự trữ rơm rạ cho trâu. Nhờ vậy đàn trâu ở Ba Tơ thời gian qua phát triển khá tốt. Nhiều hộ đã bán trâu làm nhà cửa, mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình và nuôi con ăn học".
Bài, ảnh: MAI HẠ