Ba Tơ: Giảm nghèo bền vững từ các mô hình chăn nuôi

08:03, 07/03/2012
.

(QNg)- Chăn nuôi là một trong những kênh xoá đói giảm nghèo hiệu quả nhất đối với nông dân miền núi. Huyện Ba Tơ hiện có trên 21 ngàn con trâu, chiếm 50% tổng đàn trâu toàn tỉnh. Thời gian qua, Trạm khuyến nông huyện đã đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi từ các chương trình khuyến nông để phát triển chăn nuôi bền vững. Từ năm 2009 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình 30a đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng mô hình chăn nuôi trâu cải tiến cùng với Dự án chăn nuôi dê lai được Trạm khuyến nông huyện triển khai thực hiện rất hiệu quả trên địa bàn.  

TIN LIÊN QUAN


Thay đổi nhận thức chăn nuôi

Sau 3 năm thực hiện các mô hình chăn nuôi do Trạm khuyến nông huyện Ba Tơ triển khai đã đem lại những kết quả thiết thực cho những hộ tham gia mô hình. Với tập quán chăn nuôi lạc hậu của bà con đồng bào dân tộc Hrê: Thả rông gia súc, chăn nuôi không có chuồng trại kiên cố, không dự trữ thức ăn vào mùa đông dẫn đến trâu bị chết. Nguồn vốn 30a đã đầu tư trên 1,3 tỷ đồng xây dựng mô hình cải tạo giống và cải tiến kỹ thuật chăn nuôi trâu giúp nông dân có những nhận thức mới trong việc chăn nuôi đạt hiệu quả.

Cán bộ Trạm khuyến nông huyện đang kiểm tra sự phát triển của đàn dê.
Cán bộ Trạm khuyến nông huyện đang kiểm tra sự phát triển của đàn dê.


Mô hình đã hỗ trợ 30 con trâu đực giống (mua ngoài tỉnh) cấp cho 30 hộ ở 18 thôn tại 5 xã: Xã Ba Thành, Ba Dinh, Ba Lế, Ba Tô, Ba Bích. Mô hình còn hỗ trợ kinh phí cho 40 hộ xây dựng chuồng trại tại các xã tham gia dự án. Tạo mô hình chăn nuôi trâu theo hướng thâm canh, chuồng trại đúng quy cách và hợp vệ sinh, trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn, dự trữ rơm rạ để bổ sung nguồn thức ăn thô xanh cho trâu và dự trữ thức ăn trong mùa mưa bão. Trạm khuyến nông huyện đã hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ để chăn nuôi trâu tại địa phương. Từ đó người Hrê biết áp dụng vào chăn nuôi, tăng sức đề kháng cho trâu nghé sau khi sinh, tăng chất lượng đàn trâu, nên đã giảm thiểu tình trạng trâu bị chết.
Trâu địa phương qua nhiều thế hệ chưa được cải tạo nên chất lượng chăn nuôi không cao, trâu nghé sau khi sinh tỉ lệ sống đạt thấp do hiện tượng đồng huyết ở đàn trâu. Đến nay đàn trâu đực giống đã phối giống cho đàn trâu cái địa phương có chửa 1.450 con và có 500 nghé cải tiến được ra đời, trọng lượng bình quân hơn 21kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Bước đầu mô hình đã phần nào cải tạo được đàn trâu tại địa phương.

Ông Phạm Văn Đe, xã Ba Thành chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi từ mô hình chăn nuôi trâu cải tiến: "Trước đây trâu ốm yếu, không mạnh khỏe, số trâu nghé sinh ra bị chết nhiều, từ khi chúng tôi được Trạm khuyến nông huyện triển khai chăn nuôi theo mô hình chất lượng chăn nuôi đạt cao hơn. Sức đề kháng của trâu nghé sau khi sinh tăng lên, hạn chế tình trạng trâu nghé bị bệnh, chết như trước đây".

Dê lai lên vùng cao

Cùng với mô hình chăn nuôi trâu cải tiến thì Dự án chăn nuôi dê lai trên địa bàn huyện miền  núi Ba Tơ cũng được triển khai có hiệu quả. Với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, của tỉnh và nguồn ngân sách đầu tư của huyện, mô hình được triển khai thực hiện tại 5 xã, thị trấn, với quy mô 225 con dê giống, trong đó 200 con cái sinh sản và 25 con đực giống.

Sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay tổng đàn dê trên địa bàn có gần 1.000 con, trọng  lượng dê từ 7 đến 8 tháng tuổi đạt từ 21 đến 23 kg/con, trung bình 1 dê cái sinh sản cho 35 kg dê thịt/năm. Mô hình đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi dê lai lấy thịt phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, góp phần tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho nhân dân.

Dự án đã phối hợp với Trung tâm khoa học công nghệ phát triển đô thị và nông thôn tiến hành xây dựng các mô hình trồng giống cỏ mới Hoà thảo (Ghinê), cây họ đậu làm thức ăn cho dê. Sau khi triển khai mô hình các hộ đã trồng được 5 ha cỏ, năng suất bình quân đạt 72tấn/ha/năm. Các giống cỏ được trồng trên đất Ba Tơ sinh trưởng, phát triển tốt thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Đây là nguồn thức ăn xanh có hàm lượng dinh dưỡng cao và phù hợp với đặc tính của dê. Ngoài thức ăn từ các giống cỏ của mô hình, các hộ tham gia mô hình còn tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên làm thức ăn cho dê.

Ông Nguyễn Thanh Tiên, xã Ba Động, cho biết: "Mô hình chăn nuôi dê lai do Nhà nước đầu tư đạt hiệu quả. Mô hình được triển khai năm 2009, tôi nhận con giống về nuôi đến nay đã xuất được hai lứa. Điều kiện chăn nuôi tại địa phương rất phù hợp cho dê phát triển, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên".  
 
Ngoài ra, khi triển khai các mô hình chăn nuôi, cán bộ Trạm khuyến nông huyện còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để thực hiện mô hình đạt hiệu quả. Thường xuyên theo dõi quá trình thực hiện các mô hình, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân áp dụng  trong chăn nuôi. Mở rộng và phát triển các mô hình chăn nuôi trong nông hộ theo hướng hàng hoá, tạo ra vùng chăn nuôi tập trung phù hợp với các trang trại quy mô nhỏ ở hộ gia đình.

Từ hiệu quả thiết thực nói trên, nếu những mô hình này được nhân rộng ra các địa bàn khác trong toàn huyện sẽ tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Đồng thời sẽ phát triển các vùng chăn nuôi gia súc theo hướng thâm canh, thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc thả rong của đồng bào dân tộc Hrê.


Trương Chi
 


.