Lý Sơn: Khan hiếm nguồn cát trắng trồng tỏi

08:09, 05/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, nông dân trồng hành, tỏi Lý Sơn đang khẩn trương cải tạo lại đất, chuẩn bị cho việc xuống giống sản xuất vụ tỏi đông xuân 2013 - 2014. Tuy nhiên, nhiều diện tích tuy đã được cải tạo xong nhưng không thể đưa vào sản xuất vì thiếu nguồn cát trắng.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày này, dù thời tiết ngoài trời luôn nắng gắt nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Đông xã An Vĩnh vẫn tần tảo trên đồng, bởi trên 2 sào diện tích đất trồng tỏi vẫn đang bề bộn. Mọi năm, vào thời điểm này việc cải tạo đất chuẩn bị cho việc xuống giống vụ tỏi đông xuân của gia đình đã hoàn tất, nhưng năm nay, vì khan hiếm nguồn cát trắng nên vợ chồng bà như “ngồi trên đống lửa”. Bà Hoa cho biết, mọi năm, chỉ cần đặt tiền cọc vài ba ngày là cát sẽ được chở đến tận ruộng, thế nhưng năm nay, dù có tiền nhưng gia đình bà cũng không thể mua được cát trắng.

 

 Mỗi khi vào vụ trồng tỏi nông dân Lý Sơn phải chạy đôn chạy đáo để mua cát trắng. Ảnh: PV
Mỗi khi vào vụ trồng tỏi nông dân Lý Sơn phải chạy đôn chạy đáo để mua cát trắng. Ảnh: PV

 

“Đã hơn một tháng nay, vợ chồng tôi đứng ngồi không yên vì sắp vào vụ sản xuất, nhưng hiện chưa có hạt cát nào trên đồng. Vợ chồng tôi chạy ngược chạy xuôi đi hỏi hàng chục chủ xuồng bè hút cát biển nhưng họ đều lắc đầu, vì không có nguồn cát trắng cung cấp. Trồng hành, tỏi mà không có cát thì lấy gì thu hoạch” - bà Hoa bộc bạch.

Theo Bà Hoa, cát trắng trồng tỏi năm nay có giá trên 120 ngàn đồng/m3 (cao gần gấp đôi so với niên vụ trước). Tuy giá cao như vậy, nhưng để hoàn tất khâu cải tạo đất kịp xuống giống vụ tỏi đông xuân này, bà và hàng ngàn hộ nông dân trên đảo cũng chấp nhận bỏ tiền để mua nhưng chẳng tìm ra nguồn cát trắng.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Hoa, gia đình ông Dương Minh Trí (ở thôn Tây, xã An Hải) cũng tất tả ngược xuôi tìm cho ra nguồn cát trắng. Ông Trí cho biết, mọi năm với 3 sào diện tích đất trồng hành tỏi, gia đình ông phải đổ khoảng từ 10 -12 m3 cát trắng, nhưng năm nay, mua cát quá khó nên gia đình ông phải tiết kiệm giảm bớt lượng cát trắng phủ trên mặt đất “Mỗi năm chỉ có một vụ tỏi, nên chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền đầu tư, nhưng cát không có, thì đành phải chấp nhận. Thiếu cát trắng là ảnh hưởng đến năng suất cây hành, tỏi nhưng đành chịu?”- ông Trí nói.

Theo ghi nhận, hiện trên địa bàn huyện Lý Sơn có trên 10 xuồng bè hút cát biển. Mỗi ngày số xuồng bè này khai thác được trên dưới 200m3 cát. Trong khi đó với 300 ha đất sản xuất tỏi thì nông dân phải cần đến hàng chục ngàn mét khối cát trắng. Tuy nhiên hiện nguồn cát ven đảo đang rơi vào cảnh cạn kiệt, lượng cung không đủ cầu nên ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Trường, chủ một bè hút cát ở thôn Đông, xã An Hải cho biết: “Vì nguồn cát biển quanh đảo cạn kiệt nên mỗi ngày chúng tôi cố gắng lắm cũng chỉ khai thác được 4 bè, với khối lượng khoảng 20m3, do đó không đủ lượng cát trắng để cung cấp cho người dân. Giá cát trắng tăng cao so với mọi năm vì giá xăng dầu, tiền thuê nhân công, tiền vận chuyển đều tăng. Nếu trừ chi phí mỗi ngày lao động cật lực, mỗi người chúng tôi cũng chỉ có thu nhập khoảng 300 ngàn đồng”.

Huyện Lý Sơn có khoảng 300 ha diện tích đất trồng tỏi, mỗi sào cần từ 3 - 4m3 cát trắng, do vậy lượng cát trắng phục vụ trồng tỏi của người dân trên đảo là rất lớn. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, không biết rồi đây việc sản xuất cây hành, cây tỏi truyền thống của nông dân Lý Sơn sẽ đi về đâu, khi mà nguồn cát trắng trên đảo đang ngày một khan hiếm.


Văn Mịnh

 


.