(Báo Quảng Ngãi)- Với chiến lược phát triển hạ tầng mạnh mẽ, Khu Kinh tế Dung Quất (KKT DQ) đang có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư.
Mở rộng quy hoạch, xây dựng hạ tầng tạo sức hút
KKT DQ được Chính phủ chọn là 1 trong 5 KKT ven biển ưu tiên đầu tư vốn ngân sách nhà nước, với định hướng trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, với các ngành chủ lực là hóa dầu, hóa chất, cùng các loại hình công nghiệp nặng quy mô lớn, như luyện cán thép, đóng tàu biển… Đặc biệt, Dung Quất sẽ còn là một thành phố công nghiệp mở trong tương lai, có trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ cảng… Do đó, với chiến lược hiện hữu, việc quy hoạch, phát triển và thu hút đầu tư vào KKT DQ đang là áp lực đáng kể để Dung Quất thật sự phát triển đúng tầm. Vì vậy, KKT DQ đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, với diện tích được mở rộng từ 10.300ha lên hơn 45.332ha.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động hiệu quả tại KKT Dung Quất. |
Để KKT DQ thực sự có sức hút mạnh mẽ, vấn đề đầu tiên là phải quy hoạch và phát triển hạ tầng sao cho tương xứng để thuyết phục nhà đầu tư. Tháng 8.2012, Ban Quản lý KKT Dung Quất, Liên danh Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng - đường thủy đã ký kết Hợp đồng tư vấn lập Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 Khu bến cảng Dung Quất II. Cảng này được quy hoạch trên cơ sở vịnh Dung Quất 2, có thể đón tàu có trọng tải 250.000 - 300.000 DWT, tạo tiền đề để phát triển Cụm Công nghiệp nặng Dung Quất II.
Hiện nay, Quảng Ngãi đã và đang xúc tiến đầu tư các hạng mục giao thông quan trọng, như tuyến đường Dốc Sỏi-cảng Dung Quất, vốn đầu tư 65 tỷ đồng; đường Trì Bình- Dung Quất, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng; đường Tịnh Phong - Dung Quất 2 chiều dài 14 km, vốn 2.000 tỷ đồng, hay tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đang được triển khai thực hiện.
Việc mở rộng KKT DQ nhằm tạo điều kiện để Quảng Ngãi giải quyết bài toán thu hút đầu tư. Sau khi quy hoạch, rất nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm đến, như Dự án Nhà máy Nhiệt điện do Tập đoàn Semcorp đầu tư, công suất 1.200 MW; Dự án Khu phức hợp công nghiệp và đô thị VSIP, quy mô đầu tư cả 2 giai đoạn lên đến 1.200 ha. Tổng vốn đầu tư hai dự án này lên đến 3 tỷ USD.
Địa chỉ lý tưởng của nhà đầu tư
Theo Ban Quản lý KKT DQ, trong 6 tháng đầu năm 2013, Ban Quản lý KKT DQ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án với tổng vốn đăng ký 6 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Tính đến ngày 30.6.2013, KKT Dung Quất có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 138 ngàn tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD). Trong đó có 93 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 3.844 tỷ USD. Tổng giá trị vốn thực hiện đầu tư của các dự án ước đạt 5,8 tỷ USD (đạt 60% vốn đăng ký đầu tư). Trong thời gian này, giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 71.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 290 triệu USD; hàng hoá qua Cảng Dung Quất xấp xỉ 8 triệu tấn; giải quyết việc làm mới cho 1.800 lao động; nộp thuế 11.700 tỷ đồng.
Thời gian qua, KKT DQ được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó đáng chú ý có Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) và đoàn 20 doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, Ban Quản lý KKT DQ đã tiến hành xúc tiến đầu tư tại Singapore; đồng thời phối hợp cùng Công ty TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tiến hành xúc tiến một số dự án đầu tư vào Khu phức hợp đô thị và công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
Tại KKT Dung Quất, ngoài Tổ hợp Lọc hóa dầu hoạt động rất hiệu quả, không thể không nhắc đến Công ty Doosan Vina, thuộc Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc). Doanh thu hằng năm của Doosan Vina đạt xấp xỉ 200 triệu USD, đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Ngãi gần 750.000 USD và đã tạo việc làm với nguồn thu nhập ổn định cho trên 2.500 lao động. Chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, năng lực sản xuất của Doosan Vina đã đạt ngang bằng công ty mẹ tại Hàn Quốc. Sự thành công vượt bậc của Doosan Vina là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, môi trường đầu tư tại KKT DQ hứa hẹn sẽ mang lại thành công cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao, nếu họ lựa chọn nơi này để đầu tư.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU