Hối hả vào vụ trồng rừng

10:09, 29/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tranh thủ trời mưa, tiết trời dịu mát, nông dân khắp các địa phương trong tỉnh đang bắt tay vào việc “mở cửa” rừng để tiến hành trồng mới, trồng lại gần 6.700 ha diện tích đất rừng sản xuất…

TIN LIÊN QUAN


Khẩn trương trồng cây…

Vạt keo cuối cùng vừa lên xe rời khỏi rừng cũng là lúc hàng chục nghìn cây con được gia đình ông Trần Văn Sáu, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) tập kết vào bìa rẫy, chuyển đến những chỗ đất trống. Tám lao động, mỗi người một việc. Người thu dọn cành lá keo còn vương vãi sau khai thác; người đào đất, bóc túi ni lông đặt cây vào hố. Tất cả đều khẩn trương. Ngay ông Sáu, dù đã qua cái tuổi 60 nhưng vẫn xông xáo tiếp cây tiếp nước, rồi đi khắp rẫy thu gom bao ni lông. Loáng một cái, những phần đất trọc đã kín cây con.

 

Vợ chồng anh Bu tập kết cây keo con chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới.
Vợ chồng anh Bu tập kết cây keo con chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới.


Những cánh rừng ở các huyện miền núi cũng nhộn nhịp không kém. Người dân “mở cửa” để vào khai thác cây đến tuổi, hay phát dọn thực bì để vào vụ trồng mới. Ấy thế nên trên con đường dốc nhỏ, lầy lội, các loại xe tải, xe máy rồi cả gùi đã rủ nhau mang keo lớn, keo nhỏ ra vào rừng tấp nập. Thậm chí, vợ chồng anh Hồ Văn Bu ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) còn dự định sẽ ở lại rẫy vài ngày để đẩy nhanh tiến độ trồng 20 nghìn cây con cho lứa keo mới.

Lý giải sự khẩn trương này, anh Bu cho rằng vào thời điểm này, tiết trời dịu nhẹ, lại thường có mưa nên nền đất mềm, keo trồng đạt tỷ lệ sống cao mà chủ rừng cũng được lợi công. Có lẽ với tính toán trên nên trước khi rẫy keo được khai thác, nhiều hộ đã làm sạch rừng bằng cách phát dọn thực bì, cây dại; đồng thời áp dụng phương châm “keo hạ đến đâu, vệ sinh đến đó” để ngay khi cây lớn vừa được giải phóng thì cây con cũng bắt đầu bám đất. Chẳng thế mà hiện giờ, gần 6.700 ha rừng trong toàn tỉnh đã được trồng mới, trồng lại. Vượt kế hoạch 700 ha.

…nhưng đừng quên “kén” giống

Vụ trồng rừng 2013 cần 28 triệu cây giống các loại keo lai, lim xanh, dầu rái, xà cừ… để cung ứng cho người dân. Đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác ươm trồng, sản xuất. Thế nên, ngoài số cây từ những đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh giống, được Chi cục Lâm nghiệp tỉnh kiểm tra, cấp giấy chứng nhận về nguồn gốc và chất lượng thì không ít loại-mà chủ yếu là keo lai giâm hom (PV10, PV16, PV32) xuất phát từ vườn ươm của các hộ gia đình. Điều này cũng không có gì lạ vì kỹ thuật ươm trồng keo lai giâm hom hiện nay không quá phức tạp.  

Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Trần Kim Ngọc thì: “Chất lượng cây giống do người dân tự ươm trồng không đảm bảo”. Lý do, bà con rất khó, thậm chí không thể có được giống đầu dòng tốt; việc kiểm soát đặc tính di truyền giống cũng như nguồn gốc lô cây con vì thế cũng bị bỏ quên. Do đó, khi những cây con này bén đất, rất dễ xảy ra tình trạng còi cọc, chậm lớn, gỗ xốp kém chất lượng… Mà để thấy được hiện tượng này, chủ rừng phải mất 2-3 năm sau khi trồng.

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng biết điều này để mà chủ động “kén” giống. Nhất là khi giá bán cây con của vườn ươm tự phát thường thấp hơn 200-400 đồng/cây so với hàng đã được Chi cục lâm nghiệp tỉnh cấp giấy “bảo hành” về nguồn gốc và chất lượng. Thế nên để giúp người dân tiếp cận được với cây con tốt, cũng như có cái nhìn cụ thể hơn về tầm quan trọng của cây giống, thiết nghĩ các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là nên xây dựng và trình diễn nhiều hơn nữa những cánh rừng mẫu sử dụng giống chuẩn. Đồng thời có biện pháp xử lý, buộc các vườn ươm tự phát phải tuân thủ việc sản xuất theo chuỗi hành trình-tức là kiểm soát từ giống đến lô cây con, tránh thiệt hại không đáng có do cây giống kém chất lượng gây ra.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.