Bảo an tín dụng nơi trợ sức cho "tam nông"

02:09, 02/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, người nông dân cần có vốn để đầu tư. Thế nhưng, quá trình làm ăn khó tránh được những rủi ro bất ngờ, khiến vốn vay ngân hàng trở thành gánh nặng của nhiều hộ nông dân. Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo an tín dụng của Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC) đã giúp cho nhiều nông dân được sẻ chia khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Trả nợ thay cho người vay

Năm 2012, vợ chồng anh Trần Thức và chị Nguyễn Thị Thương ở thôn Phước Thịnh (Đức Thạnh, Mộ Đức) thế chấp ngôi nhà mà gia đình đang ở để vay 110 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Mộ Đức. Số tiền này vợ chồng anh đầu tư trồng nấm và kinh doanh nhỏ.

 

Chị Nguyễn Thị Thương (Đức Thạnh, Mộ Đức) làm thủ tục nhận số tiền 110 triệu đồng của Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thương (Đức Thạnh, Mộ Đức) làm thủ tục nhận số tiền 110 triệu đồng của Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp.


Theo chị Thương, khi vay vốn, vợ chồng chị cũng mua kèm theo bảo hiểm Bảo an tín dụng của ABIC. Lần vay này, vợ chồng chị đã mua bảo hiểm với số tiền hơn 700 ngàn đồng/năm. “Nghĩ là mua bảo hiểm cho yên tâm thôi, chứ ai nghĩ sẽ được lợi gì từ số tiền hỗ trợ lúc rủi ro đâu!”- chị Thương nhớ lại. Thế rồi, tháng 7.2013, chồng chị chẳng may gặp phải tai nạn giao thông rồi qua đời. Chị Thương và hai người con đang ngồi trên ghế nhà trường có nguy rơi vào túng bấn. Nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng chẳng biết trả bằng cách nào, ngôi nhà đứng trước nguy cơ có thể bị ngân hàng phát mãi. Nhưng ngay sau đó, chị nhận được thông tin, ABIC sẽ thay chị trả toàn bộ số tiền vay. Ngày 22.8, lãnh đạo Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp đã đến và trao số tiền 110 triệu đồng cho chị Thương.

Vợ chồng chị Thương không phải là trường hợp đầu tiên ở Quảng Ngãi được ABIC chi trả tiền bảo hiểm. Trong đó có những trường hợp gia đình rất khó khăn, mất khả năng trả nợ vì mất đi người lao động trụ cột của gia đình. Có thể nhắc đến các trường hợp như hai cha con ông Đặng Văn Bình và Đặng Công Hiếu ở thôn Tuyết Diêm 1 (Bình Thuận, Bình Sơn) bị chết do cháy tàu chở dầu ngày 5.5.2012 được ABIC đã chi trả 75 triệu đồng tiền vay; ABIC trả nợ thay cho ông Lý Hồng Sơn 50 triệu đồng vì tử vong đột ngột, hay ông Nguyễn Văn Đốn được chi trả 40 triệu đồng vì đã chết do bệnh tật...

Ông Trần Ngọc Du - Phụ trách ABIC Quảng Ngãi, cho biết: ABIC có mặt trên địa bàn Quảng Ngãi từ năm 2008 và đã triển khai sản phẩm Bảo an tín dụng từ tháng 5.2010. Tất cả các chi nhánh và phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Quảng Ngãi đều triển khai sản phẩm này đến các hộ vay.

Sản phẩm thiết thực với nông dân

Phần lớn khách hàng vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là các cá nhân, nông hộ, ngư hộ... Khi người vay không may gặp phải các rủi ro, nếu các khoản vay không có tài sản đảm bảo (tín chấp), thì khả năng thu hồi nợ thường gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trường hợp có tài sản đảm bảo mà người vay tử vong, thì những trở ngại về thủ tục pháp lý trong thừa kế gia đình cũng là những rào cản khiến việc thu hồi nợ phải mất thời gian và công sức, hoặc không thể thu hồi. Như vậy, khi có Bảo an tín dụng, cả khách hàng và ngân hàng sẽ hoàn toàn yên tâm về tài chính khi có những rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm đối với người vay.

Ông Nguyễn Thế Trung- Giám đốc ABIC Đà Nẵng, cho biết: Bảo an tín dụng là sản phẩm bảo hiểm cho khu vực “tam nông”, vì đây là sản phẩm bảo hiểm đầu tiên cung cấp cho nông dân Việt Nam. Thông qua đây, nông dân sẽ được tiếp cận và có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực bảo hiểm thương mại nói riêng và hoạt động bảo hiểm nói chung. Qua thực tế triển khai, sản phẩm Bảo an tín dụng đã khẳng định là lá chắn kinh tế vững vàng cho nông dân và cả ngân hàng.


   Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.