(QNg)- Những năm gần đây, phong trào trồng nấm rơm phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở huyện Mộ Đức với khoảng hơn 100 hộ dân tham gia. Mô hình đã giúp bà con vừa tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, vừa tận dụng được sức lao động nông nhàn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Đặng Quang Chiến được xem là người mở đầu cho phong trào trồng nấm rơm ở xã Đức Hòa cho biết: Trồng nấm rơm không khó, lại cho thu nhập cao. Chi phí đầu tư trồng nấm rơm tương đối thấp hơn so với những ngành nghề khác. Chỉ cần khoảng 5 triệu đồng là có thể đầu tư làm một trại sản xuất nấm với diện tích khoảng 30 m2 với khoảng 1.000 bịch rơm. Trung bình mỗi tháng, nấm cho thu hoạch 2 lần, năng suất khoảng 60kg/trại. Với giá bán vào ngày thường khoảng 50.000-60.000đồng/kg, còn vào dịp ngày rằm, mồng một hàng tháng giá khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi tháng lãi hơn 1 triệu đồng cho một trại nấm. Như vậy với 4 trại sản xuất nấm hiện nay, đã đem lại cho ông nguồn lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Đầu tư dây chuyền xử lý nguyên liệu, sản xuất bịch phôi nấm tập trung, đồng bộ đem lại hiệu quả kinh tế. |
Còn ông Nguyễn Văn Bốn ở thôn 2 (Đức Nhuận) đã có hơn 7 năm trồng thành công nấm rơm cho biết: Nghề này không khó, nhưng người trồng phải thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn mới đạt kết quả. Theo kinh nghiệm của ông Bốn, trong 5 ngày đầu để bánh rơm lên kệ không được xê dịch, vì sẽ làm đứt tơ ảnh hưởng đến năng suất. Nấm là loại mẫn cảm, không để người lạ vào, dễ bị nhiễm bệnh. Ưu điểm của nghề trồng nấm là sản xuất quanh năm, kể cả mùa mưa miễn là làm sao phải đảm bảo được nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển. Sản xuất nấm tại nhà vừa tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp vừa tận dụng được sức lao động nông nhàn và đầu ra khá thuận lợi.
Theo anh Lê Giang Phong - Chủ nhiệm HTX chuyên canh nấm xã Đức Nhuận thì để trồng nấm đạt năng suất cao và chất lượng tốt phải đảm bảo 3 yếu tố: Thứ nhất, xử lý nguyên liệu trước khi cấy meo. Đây là khâu quan trọng vì nó quyết định năng suất và chất lượng nấm rơm. Trước khi ủ, phải xử lý rơm qua nước vôi. Rơm rạ khô được làm ướt trong nước vôi (3,5-4 kg vôi hoà trong 1m3 nước) cho rơm ngấm đủ nước vớt rơm lên để ráo rồi đánh đống. Thứ hai, chọn meo giống là khâu có ảnh hưởng lớn đến năng suất nấm. Chọn được meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt. Thứ ba, theo dõi nhiệt độ và độ ẩm trong nhà nấm là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất nấm rơm. Ẩm độ là yếu tố hàng đầu, vì ẩm độ giúp quá trình phân hủy rơm rạ thuận lợi, từ đó sẽ tạo nhiệt độ trong mô nấm. Nếu ẩm độ dư, thừa nước, nhiệt độ sẽ giảm, mô nấm bị lạnh. Nếu độ ẩm thiếu, mô bị khô nhiệt độ tăng nấm sẽ không phát triển được.
Do đó, cần giữ ẩm độ thích hợp: Khi kiểm tra mô nấm, rút một nắm (khoảng 15 - 20 cọng) rơm ở giữa luống, bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn qua kẽ tay là vừa. Nếu nước không rịn qua kẽ tay là khô, phải tưới nước. Nếu thấy nước chảy qua kẽ tay thành giọt là dư nước, phải ngưng tưới nước và ngày đó phải dỡ áo mô cho nước bốc hơi. Trong mùa mưa phải làm mái che sau khi dỡ áo mô. Mùa mưa, cần dùng nylon, màng phủ nông nghiệp để mô nấm giữ nhiệt, tăng nhiệt độ bên trong. Ngoài ra cũng cần chú ý đến khâu vệ sinh, khử trùng trước khi đưa nguyên liệu vào trồng vì nấm là loài ưa sạch.
Phương Dung