(QNg)- Hơn nửa mùa đánh bắt, ngư dân trong tỉnh cũng đã "gặt" nhiều mẻ cá đầy, từ Lý Sơn cho đến Sa Huỳnh, Nghĩa An (Tư Nghĩa), Phổ Quang (Đức Phổ)… các bến cảng đều chộn rộn niềm vui được mùa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chiều xuống, nắng rớt vàng trên bãi biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), cũng là lúc hàng chục con tàu đánh bắt khơi xa trở về cập bến. Cảng bỗng chốc nhộn nhịp. Các bạn tàu lần lượt chuyển cá từ các khoang lên bờ. Ông Huỳnh Hiển, thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh, phấn khởi bảo: "Nhà có 6 chiếc tàu, toàn là tàu công suất trên 400 CV. Mỗi lần ra khơi "ngốn" hàng trăm triệu tiền dầu, phí tổn, nhưng bù lại năm nay được mùa biển. Từ đầu năm đến giờ, 3 đôi tàu ra khơi được 6-7 phiên biển, mỗi phiên kiếm được từ 400 - 450 triệu đồng/đôi tàu. Bình quân mỗi bạn tàu cũng được hơn 30 triệu đồng".
Nhiều ngư dân đưa tàu lên bờ tu sửa, chuẩn bị bước vào giai đoạn đánh bắt "nước rút" cuối năm. |
Theo ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, thì dẫu cửa biển Sa Huỳnh hiện bị bồi lấp nhưng ngư dân thì không thể bỏ biển. Bằng nhiều cách khai thác, kết hợp từ nhiều nghề đánh bắt trên một chuyến biển, tàu về cá, tôm luôn đầy khoang. Từ đầu năm đến nay, ngư dân trong xã đánh bắt đạt sản lượng hơn 26 nghìn tấn, đạt hơn 68,7% kế hoạch năm.
Qua nửa mùa đánh bắt, sản lượng đạt khá, nhiều ngư dân phấn khởi không ngại trích tiền "tuốt" lại con tàu. Trên triền đà Sa Huỳnh, hàng chục con tàu đang được sửa chữa, chuẩn bị sẵn sàng bước vào chặng đường đánh bắt "nước rút". Đến cuối tháng 7, xã Phổ Thạnh có 546 chiếc từ 90 CV trở lên đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì đã có 86 chiếc vừa đóng mới, tu sửa, nâng cấp công suất.
Giữa mùa đánh bắt ra đảo tiền tiêu Lý Sơn, chúng tôi gặp những ngư dân "dạn dày sóng gió" từ Hoàng Sa, Trường Sa trở về. Họ mang theo về nhiều cá, tôm, ốc và cả đồi mồi. Từng khay cá được chuyển lên bờ. Ngay lập tức các tiểu thương đóng kiện đưa vào đất liền, số ít tiếp tế cho các nhà hàng tại đất đảo phục vụ khách du lịch. Ngư dân Nguyễn Văn Giàu, thôn Tây, xã An Hải khẳng khái: "Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân đất đảo. Vậy mà qua nửa mùa đánh bắt tại Hoàng Sa, tàu đánh cá của mình đã bị tàu nước ngoài quấy rối, thu phương tiện đến hai lần. Biết rằng khổ, nhưng thấy quá phi lý nên không ai nản lòng mà cố gắng hùn vốn sắm lại phương tiện tiếp tục vươn khơi bám biển".
Nhiều năm qua, tàu nước ngoài đã có nhiều hành vi ngang ngược bắt bớ, thu phương tiện tàu, ngư lưới cụ vô cớ của ngư dân trong tỉnh, chủ yếu là ngư dân Lý Sơn. Thế nhưng, bằng tình yêu biển đảo và cuộc mưu sinh, ngư dân Lý Sơn vẫn can trường vươn khơi. Trong tổng số 427 tàu thuyền của Lý Sơn có đến 158 tàu đánh bắt xa bờ, khai thác chủ yếu trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhờ đó, sản lượng thủy sản đánh bắt ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm nay, ngư dân Lý Sơn đánh bắt đạt gần 22 nghìn tấn (mọi năm ngư dân Lý Sơn đánh bắt gần 1/3 tổng sản lượng khai thác của toàn tỉnh).
Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: "Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, nên huyện tập trung phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, toàn diện, bao gồm đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Đồng thời khuyến khích, vận động ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, ngư lưới cụ tiên tiến để đánh bắt dài ngày trên biển kết hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia".
Đến cuối tháng 6 toàn tỉnh đã khai thác ước đạt trên 65 nghìn tấn thủy sản, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, sản lượng khai thác thủy sản tăng là nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, giá cả sản phẩm thủy sản tăng cao và ổn định đã khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt. Cùng với đó, chương trình hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai hỗ trợ kịp thời về nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, lắp đặt máy thông tin liên lạc và hỗ trợ cho nhiều thuyền viên, tàu cá gặp nạn trên biển là động lực, là niềm tin để ngư dân bám biển dài ngày.
Bài, ảnh: MAI HẠ