Đề tài, dự án KHCN ứng dụng vào sản xuất: Thay cách nghĩ, đổi cách làm

07:07, 20/07/2013
.

(QNg)- Khoa học công nghệ (KHCN) được xem là động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Hiện nay, nhiều đề tài, dự án KHCN đã được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra sự đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm. Thành quả của “chiến lược” mới của ngành KHCN Quảng Ngãi đến từ việc ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng; đồng thời, hạn chế các đề tài, dự án mang tính thử nghiệm.  
 

TIN LIÊN QUAN


Trong 2 năm qua, hoạt động KHCN đã có tác động tích cực. Các dự án KHCN khi triển khai vào lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị gia tăng của sản phẩm. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học, những người thực hiện đề tài đã phát triển thành dự án “Trồng cây sa nhân tím, cây mây trong rừng phòng hộ” trên địa bàn huyện Ba Tơ.

 

Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã giúp nông dân tại các địa phương tạo ra được nguồn sản phẩm tại chỗ nhằm tăng thu nhập.
Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã giúp nông dân tại các địa phương tạo ra được nguồn sản phẩm tại chỗ nhằm tăng thu nhập.

 

Với loại cây rất có giá trị trong nhiều lĩnh vực như y dược, hương liệu, gia vị, mỹ phẩm và được xuất khẩu đi nhiều nước như sa nhân tím, sau 2 năm tham gia dự án, hàng trăm hộ dân đã có thu nhập ổn định. Còn dự án “Hỗ trợ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu” được triển khai tại HTX nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) thì sau 24 tháng thực hiện, đã thu hút 20 hộ tham gia, sản lượng nấm hàng năm đạt 130- 150 tấn. Qua đó, xây dựng được làng nghề nấm tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm tiêu thụ ổn định trên thị trường.

Không chỉ chú trọng nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, mà từ các đề tài, dự án KHCN, các Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực khuyến nông cho hàng ngàn nông dân trong tỉnh. Ông Đinh Văn Trung- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà, nhìn nhận: “Khi tham gia ứng dụng các dự án KHCN, kiến thức về sản xuất nông nghiệp tiên tiến của rất nhiều hộ nông dân, đặc biệt là phụ nữ, người nghèo và người dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là đã làm thay đổi được tập quán sản xuất cũ bằng tiến bộ mới như việc sản xuất lúa nước của đồng bào miền núi đã biết dùng phân bón để thâm canh, dùng chế phẩm vi sinh để ủ phân xanh…

Nhờ đó, nhiều mô hình đã được áp dụng và duy trì, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân”.
Kiến thức thu được từ những dự án KHCN giúp các hộ nông dân tại các địa phương không những tạo ra được nguồn sản phẩm tại chỗ mà còn thu hút tư thương, kết nối sản phẩm với thị trường tiêu thụ, làm phong phú hơn hàng hóa đầu vào, đầu ra. Qua đó tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt và tăng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ở các địa phương được áp dụng dự án. Điển hình như Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác mía trên đất gò, đồi” do Công ty CP Đường Quảng Ngãi triển khai từ năm 2010 tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long hay Dự án “Xây dựng mô hình trồng cây ăn quả sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh” tại huyện Nghĩa Hành…

Đến thời điểm này, Trại thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) do Sở KHCN làm chủ đầu tư, đã hoàn thiện phần xây dựng cơ bản (giai đoạn 1). Đây sẽ là nơi phục vụ chương trình, mục tiêu, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và thử nghiệm các công nghệ sinh học tiên tiến, các sản phẩm mới từ công nghệ giống cây trồng, vật nuôi… Đồng thời là nơi đào tạo nâng cao kỹ năng sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Mới đây, trong buổi làm việc với Sở KHCN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích, nhấn mạnh: “Đề tài, dự án KHCN phải xác định rõ địa chỉ ứng dụng và khả năng nhân rộng. Ngành KHCN cần tập trung thực hiện các đề tài, dự án KHCN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị và phát triển sản phẩm mới, tăng năng suất, chất lượng; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho năng suất, hiệu quả”.


Bài, ảnh: N. TRIỀU
 


.