Mô hình tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển

09:06, 04/06/2013
.

(QNg)- Thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã thành lập tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Qua đó thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ và có ý thức trong việc khai thác các nguồn lợi từ biển. Nhờ làm tốt công tác này nên chỉ mới đi vào hoạt động nhưng mô hình trên đã phát huy hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN


Thôn Châu Thuận Biển có bờ biển dài khoảng 6 cây số, nơi đây tập trung nhiều rong mơ (một loại rong biển có giá trị kinh tế cao). Trước đây người dân đã khai thác rong một cách ồ ạt theo cách tận diệt, bất chấp những quy định của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. Thế nhưng, từ khi tổ tự quản được thành lập người dân có ý thức hơn, không còn khai thác rong biển bừa bãi như trước mà tuân thủ thu hoạch theo thời vụ, theo kỹ thuật được hướng dẫn. Nhờ đó, những mảng rong ở đây phát triển khá tốt, thu hút nhiều loại thủy sinh tụ tập sinh sống, góp phần hồi phục hệ sinh thái biển.

 

Rong mơ nếu được khai thác hợp lý sẽ góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái biển.    Ảnh: V.MỊNH H.NAM- M.CƯỜNG
Rong mơ nếu được khai thác hợp lý sẽ góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái biển. Ảnh: V.MỊNH


Ông Bùi Văn Tấn, thôn Châu Thuận Biển, cho biết: “Nhờ khai thác hợp lý nên rong biển ở đây phát triển đều và người dân rất phấn khởi. Rong mơ nếu khai thác đúng thời hạn sẽ đem lại lợi ích cho môi trường và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân”.

Hiện Tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển của thôn Châu Thuận Biển có 15 thành viên. Hằng tuần các thành viên trong tổ chia thành nhiều nhóm, đến từng hộ trong thôn để tuyên truyền về lợi ích của việc khai thác rong biển một cách hợp lý và vận động mọi người cùng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường biển. Tuy mới chỉ hoạt động được hơn 5 tháng, nhưng tổ tự quản đã làm thay đổi được nhận thức của bà con trong việc khai thác rong mơ, cũng như những quy định của Nhà nước về khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

“Bảo vệ rong mơ là bảo vệ nguồn lợi cuộc sống của chính người dân nơi đây. Từ khi tổ tự quản được hình thành và tuyên truyền đến sát dân thì bản thân tôi nhận thức rất kỹ và thấy rằng việc làm này đúng với mục đích yêu cầu của Nhà nước, khi khai thác đúng thời điểm thì lợi ích rất cao”- ông Phạm Tấn Nguyên, thôn Châu Thuận Biển chia sẻ. Còn ông Võ Tấn Miên - Tổ trưởng Tổ tự quản thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cho biết: “Để hoạt động của tổ tự quản hiệu quả hơn trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, trong thời gian tới tổ tự quản sẽ phát huy tinh thần và trách nhiệm, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân để bà con thấy tầm quan trọng và lợi ích của việc bảo vệ rong mơ, khai thác đúng thời vụ…”/

Đánh giá về mô hình hoạt động của tổ tự quản thôn Châu Thuận Biển, ông Trần Văn Phận - Phó Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh cho biết, đây là mô hình có hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra trên địa bàn các xã, các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh và sẽ tiến hành hỗ trợ chuyên môn, cũng như kinh phí để các tổ tự quản thực hiện tốt nhiệm vụ, trong đó hỗ trợ công tác tuyên truyền và trang thiết bị để các tổ tự quản hoạt động”.

Có thể nói, việc hình thành tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển, cần được nhân rộng.  

 
         

H.NAM- M.CƯỜNG
 


.