Hiệu quả từ việc lập tổ, đội vươn khơi

10:06, 27/06/2013
.

(QNg)- Để hạn chế những rủi ro khi hành nghề khơi xa, các chủ tàu ngư dân xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) đã tự liên kết lại với nhau thành lập đoàn, tổ đội ra khơi để giúp nhau trong hoạn nạn, trong đánh bắt. Đây là tiền đề để các chủ tàu tiếp tục gia nhập vào "mái nhà chung" nghiệp đoàn nghề cá...

TIN LIÊN QUAN


Ngư trường đánh bắt vùng lộng và vùng ven bờ không còn phù hợp với ngư dân xã Nghĩa An. Họ đã linh hoạt đóng tàu to công suất lớn để ra khơi đánh bắt đủ loại nghề. Nhóm đánh bắt nghề truyền thống: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nhóm hành nghề mới như câu cá mập, câu cá ngừ đại dương...Mỗi loại nghề đánh bắt mỗi loại cá ở các vùng biển khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu là các vùng biển khơi xa, như Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhờ đánh bắt theo tổ đội hiệu quả, ngư dân xã Nghĩa An đóng nhiều tàu lớn vươn khơi xa.
Nhờ đánh bắt theo tổ đội hiệu quả, ngư dân xã Nghĩa An đóng nhiều tàu lớn vươn khơi xa.


Giữa biển cả mênh mông, tàu thuyền khó tránh khỏi những rủi ro. Anh em bạn tàu đã rủ nhau thành lập đoàn, nhóm, tổ theo từng nghề ra khơi. Chính quyền xã Nghĩa An nhận thấy sự thuận lợi trong việc đánh bắt theo tổ đội của ngư dân nên đã xin chủ trương huyện Tư Nghĩa thành lập tổ, đội. Cuối năm 2011, xã Nghĩa An chính thức thành lập 26 tổ với gần 1.400 lao động trên 174 tàu. Đến năm 2012, xã tiếp tục thành lập mới gần 40 tổ, với 1480 lao động của 185 tàu tham gia.


Hoạt động theo tổ, nhóm, các chủ tàu cá, các thuyền trưởng an tâm trong việc vươn khơi bám biển để sản xuất. Mỗi nhóm tàu tự tìm kiếm ngư trường, trao đổi kinh nghiệm với nhau để đánh bắt, và khi gặp nạn hỗ trợ với nhau để vượt qua. Thế nên, các mùa biển qua, ngư dân Nghĩa An đánh bắt đạt hiệu quả cao và giảm được chi phí đáng kể, tăng thu nhập cho mỗi thuyền viên.

Nghề câu cá ngừ đại dương hoàn toàn mới đối với ngư dân Nghĩa An. Thế nhưng nhờ đánh bắt theo tổ, đội, các chủ tàu, bạn thuyền đã chỉ cho nhau kinh nghiệm đánh bắt nên kết quả đạt khá cao. Năm 2012, tổ 13 và tổ 14, đánh bắt đạt bình quân mỗi lao động từ 80 - 90 triệu đồng. Trong khi đó, các nghề truyền thống như nghề lưới vay rút chì, nghề lưới kéo, đánh theo tổ đội cũng hiệu quả chẳng thua kém các nghề mới.

Đánh bắt theo tổ đội, theo nhóm, các chủ tàu còn phát huy được tinh thần đoàn kết giúp nhau lúc hoạn nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản khi tàu gặp nạn nơi biển xa. Như trong chuyến ra khơi năm 2012, tàu ông Trần Văn Vũ, ông Huỳnh Tấn Văn, Lê Hiệp gặp dòng nước xoáy cuốn mất lưới các anh em trong tổ đội, người đóng góp công lặn tìm kiếm, người đóng góp tiền để giúp các chủ tàu vượt qua khó khăn nhanh chóng trở lại biển khơi. "Đánh bắt khơi xa, khó lường trước những tai nạn bất ngờ. Có khi thoát được gió chướng, thoát được tàu lạ tấn công nhưng lại gặp nạn ngay trong lòng biển sâu.

Cứ mỗi lần nói về biển khơi, chủ tàu Lê Văn Hùng và Phạm Cặn đã biết ơn anh em trong tổ đội rất nhiều. Nhờ anh em bạn tàu trong tổ đội số 3 mà hai tàu các ông đã thoát nạn trong lần. Hay như tàu ông Trần Cờ đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa thì tàu chết máy, được tàu trong tổ đội đưa về đất liền an toàn và được hỗ trợ 30 triệu đồng để ra khơi trở lại. Nhờ sự liên kết thành lập các tổ, nhóm, đoàn đánh bắt mà những năm qua, ngư dân Nghĩa An đã đánh bắt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ chủ quyền.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.