(QNg)- Làm chuồng nuôi trâu, làm đất bằng máy... là những kỹ thuật được nông dân các huyện đồng bằng áp dụng nay đã lên được các huyện miền núi. “Con đường” đưa khoa học công nghệ (KHCN) lên miền núi tuy dài nhưng đó là cách (không thể khác) để rút ngắn hành trình thoát nghèo cho người dân vốn còn nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Để thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp, nhiều tiến bộ KHCN đã được cơ quan chức năng tích cực chuyển giao cho nông dân, góp phần nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân.
Cải tiến trong chăn nuôi
Tháng 9/2012, Sở KHCN cho triển khai Dự án “Hỗ trợ cải tạo giống và cải tiến trong chăn nuôi trâu cho đồng bào dân tộc Hrê” tại xã Sơn Thành (Sơn Hà), với kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng. Thông qua dự án, 252 chuồng trâu được xây dựng kiên cố, với nền bê tông, mái lợp tôn, trụ chính được đúc bằng bê tông cốt thép. Chuồng trâu có máng ăn được đóng bằng ván gỗ và máng chứa nước uống cho trâu được xây bằng xi măng. So với các chuồng trâu tạm bợ trước đây của người dân, việc chọn địa điểm và cách xây dựng đã có nhiều cải tiến. Ông Đinh Văn Dê (thôn Gò Chu, Sơn Thành) cho biết: Mấy năm trước, gia đình ông làm chuồng trâu chỉ bằng vài ba trụ tre, che bằng mái lá và đặt chuồng trâu sát vách nhà. Nhưng khi được dự án hỗ trợ kinh phí xây chuồng mới và khuyên đặt chuồng trâu cách xa nhà cho hợp vệ sinh, ông liền đồng ý. Nhờ vậy, dù mùa mưa hay nắng, 6 con trâu của gia đình ông vẫn được bảo vệ tốt, còn gia đình thì không phải chịu mùi hôi bốc ra từ chuồng trâu nữa.
Nông dân Quảng Ngãi đưa phương tiện cơ giới vào làm đất trồng mía. Ảnh: T.L |
Không chỉ giúp nông dân xây chuồng, dự án còn cấp giống cỏ VA06 cho gần 300 hộ dân có trâu ở xã Sơn Thành. Mỗi gia đình đầu tư trồng khoảng 250- 300m2, đáp ứng đủ thức ăn cho đàn trâu, nhất là vào mùa mưa lạnh. “Từ ngày được cho ăn cỏ thường xuyên, trâu nhanh lớn hẳn mà còn rất khỏe mạnh, ít bị bệnh nữa”- ông Dê nói.
Song song với việc hỗ trợ xây chuồng, dự án còn cấp 14 con trâu giống cho nông dân. Hiện nay, số trâu giống này thích nghi tốt với điều kiện của địa phương, không có biểu hiện dịch bệnh và đã thụ thai cho trên 30 con trâu cái bản địa. Ông Đinh Văn Trung- Trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Hà, cho hay: Cái được lớn nhất khi triển khai dự án là thay đổi được cách nghĩ, cách làm của đồng bào trong chăn nuôi trâu. Để từ đó mọi người chỉ cho nhau cách làm ăn mới, góp phần nâng cao năng suất vật nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.
Tại huyện Ba Tơ, Dự án “Chăn nuôi dê lai” do Sở KHCN chủ trì thực hiện cũng được triển khai có hiệu quả. Từ năm 2010, mô hình được triển khai cho nông dân 5 xã, thị trấn trong huyện, với quy mô 225 con dê giống; trong đó, 200 con cái sinh sản và 25 con đực giống. Đến thời điểm này, tổng đàn dê của dự án đã phát triển lên trên 1.000 con. Ông Nguyễn Thanh Hiệp- Trưởng Trạm Khuyến nông Ba Tơ, cho biết: Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi dê lai lấy thịt phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, nên dự án đã tạo được niềm tin cho đồng bào các xã tham gia dự án. Thời gian đến, huyện sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình chăn nuôi dê lai trên toàn huyện, giúp nhiều người dân được tiếp cận với cách chăn nuôi khoa học hơn.
Trồng mía mía ngọt...
Nếu như trước kia, năng suất mía được trồng ở huyện Ba Tơ, Sơn Hà chỉ xấp xỉ 35- 40 tấn/ha, thì hiện nay, đã tăng lên khoảng 70- 80 tấn/ha.
Đồng bào Hrê ở huyện Sơn Hà đã biết làm chuồng kiên cố và trồng cỏ cho trâu. |
Ông Tạ Công Tường- Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong, cho biết: Vụ ép mía này, huyện Ba Tơ đã dẫn đầu về sản lượng mía của cả tỉnh (trên 60 ngàn tấn). Có được thành quả này là nhờ nông dân đã biết ứng dụng KHCN vào sản xuất mía trên đất gò, đồi. Đặc biệt, năm 2012, lần đầu tiên hơn 200 hộ dân ở huyện Sơn Hà tham gia trồng mía bằng cách áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, thiết kế đường đồng mức và tiểu bậc thang trên đất gò, đồi, với diện tích gần 100 ha. Kết quả, cây mía phát triển tốt, cho năng suất xấp xỉ 75 tấn/ha, chữ đường đạt 10CCS. Với giá bán 900 ngàn đồng/tấn mía (chữ đường 10CCS), mỗi hộ dân lãi gần 40 triệu đồng/ha.
Ông Trần Chấn Diệp- Giám đốc Sở KHCN, đánh giá: Mô hình trồng mía trên đất gò, đồi được ứng dụng thành công tại huyện Ba Tơ và Sơn Hà bước đầu đã đạt được 3 mục tiêu lớn, đó là: Tăng năng suất, chất lượng mía; tăng thu nhập cho người nông dân và bảo vệ môi trường bền vững. Năng suất mía trong vùng dự án đạt bình quân cao hơn gần 30 tấn so với vùng mía đại trà. Ông Diệp cũng kiến nghị, tỉnh cần ưu tiên nguồn vốn từ nguồn 30a để hỗ trợ nông dân cơ giới hóa khâu làm đất, giống mía mới, mở rộng mô hình này ra các huyện miền núi trong tỉnh. Riêng Nhà máy Đường Phổ Phong cần tăng cường công tác hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch mía; có chính sách bảo hiểm giá thu mua mía, giúp nông dân các huyện miền núi trong tỉnh thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU