Hành Thịnh: Xây dựng nông thôn mới từ nhà ra ngõ

06:05, 20/05/2013
.

(QNĐT)- Là một xã thuần nông, hơn 75% dân số trong xã sống bằng nông nghiệp và chăn nuôi. Tuy vậy, sau 2 năm triển khai thực hiện, với cách làm hay, sáng tạo, Hành Thịnh đang là “cánh chim đầu đàn” của huyện Nghĩa Hành trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

TIN LIÊN QUAN


*Từ nhà ra ngõ

Về xã Hành Thịnh những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự gọn gàng, sạch sẽ từ nhà ra ngõ của mỗi gia đình. Những tuyến đường dù bê tông hóa hay đường đất đều rộng rãi, sạch sẽ. Đó là nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trong phong trào chung sức XDNTM.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn nói chung và địa phương nói riêng đang là vấn đề nan giải trong khi ý thức của đại bộ phận người dân còn rất hạn chế. Xác định tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng trong XDNTM nên xã Hành Thịnh ưu tiên tập trung cho tiêu chí này.

Chính quyền địa phương nhanh chóng bắt tay vào tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân ý nghĩa, mục tiêu của phòng trào. Phân công nhiệm vụ cho Hội Phụ nữ đảm nhiệm tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, BCH Hội đã tổ chức xuống tận các gia đình tuyên truyền thực hiện “5 không, 3 sạch”. 2 HTX cũng tiến hành thực hiện thu gom và vận chuyển rác thải cho bà con.

 

XDNTM
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chị em phụ nữ mà nhà cửa, đường làng, ngõ xóm trở nên sạch sẽ, khang trang.


Chị Huỳnh Thị Phương Nhân- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, thực hiện tiêu chí 3 sạch “sạch nhà- sạch bếp- sạch ngõ”, những thứ rác như lá cây, rơm… chị em xử lý bằng cách đốt hoặc cho vào chuồng bò, chuồng heo làm phân. Bao bì, ni lông được tập trung chờ xe rác của HTX đến thu gom. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con được nâng lên rõ rệt. Nhờ sự vào cuộc tích cực của chị em phụ nữ mà nhà cửa, đường làng, ngõ xóm trở nên sạch sẽ, khang trang.

Bấy nhiêu là chưa đủ, nhiều gia đình còn thể hiện tấm lòng của mình trước một chủ trương lớn của Nhà nước khi tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ… để mở rộng đường giao thông.

Ông Huỳnh Văn Nhung- Bí thư Chi bộ thôn An Ba chia sẻ: “Chương trình XDNTM là chương trình quá mới, đặc biệt là tiêu chí giao thông được xem là khó đạt nhất khi người dân không thông suốt và hưởng ứng tham gia. Minh chứng từ thực tế, nếu đảng viên phụ trách địa bàn đi sâu, đi sát, tuyên truyền đến nơi đến thì khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Không ngồi chờ huyện phân bổ kinh phí, chính quyền xã đã tiến hành họp dân ở tất cả các khu dân cư và huy động nhân dân tích cực mở mới, mở rộng đường giao thông để thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân.

Đa số người dân đồng tình, nhưng cũng có số ít gia đình phản ứng kịch liệt vì quyền lợi cá nhân. Với những trường hợp này, lãnh đạo xã cùng cán bộ thôn thường xuyên đến tận nhà kiên trì vận động, giải thích, công khai, minh bạch để người dân có niềm tin vào đảng, chính quyền, giao cho họ quyền giám sát.

Hiện xã đã huy động nội lực ra quân mở mới, mở rộng 21 tuyến đường với chiều dài gần 9.000m và mở rộng được 13 tuyến giao thông nội đồng có chiều dài gần 4.000m. Người dân đã tự nguyện ủng hộ và hiến gần 7.300m2 đất, tự tháo dỡ 583m2 tường rào, cổng ngõ, di dời mộ, chặt đốn cây cối và hơn 1.000 công lao động. Tổng giá trị ước tính thành tiền trên 650 triệu đồng.

Chưa hết, Hành Thịnh còn được gọi là “Phố ở nông thôn” khi buổi tối trên tất cả các tuyến đường đều có ánh điện thắp sáng không khác gì ở thành thị. Khi xã phát động chủ trương bắc điện thắp sáng các tuyến đường dọc theo tỉnh lộ, đường bê tông xi măng, đường xóm, người dân đều nhất trí. Các thôn tự thành lập Tổ tự quản để tự huy động tiền điện thắp sáng hàng tháng và sửa chữa đường dây khi có hư hỏng.

Ông Nguyễn Kháng ở xóm Trầu, thôn Mỹ Hưng phấn khởi: “Trước đây, tai nạn giao thông, trộm cắp thường xuyên xảy ra. Thậm chí trộm lộng hành đến mức ngang nhiên vào tận nhà dân bắt chó, nhưng chúng tôi không dám động tĩnh gì vì sợ chúng đánh trả lại. Giờ thì yên bình hơn rất nhiều. Những khi mưa to gió lớn, đi lại cũng an tâm hơn”

*Từ dễ đến khó

Khi hệ thống kết cấu hạ tầng như điện, đường, thủy lợi, giao thông… của xã cơ bản đáp ứng yêu cầu dân sinh, Đảng bộ, chính quyền xã quyết tâm tạo điểm nhấn quan trọng trong xây dựng NTM bằng những việc làm từ dễ đến khó.

Dồn điền đổi thửa không phải là tiêu chí trong XDNTM, nhưng Hành Thịnh xem đây yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp. Vì thế, xã đã cải tạo, chỉnh trang kết hợp dồn điền đổi thửa gần 8 ha và thực hiện mô hình sản xuất lúa lai chất lượng cao.

Được sự thống nhất cao của bà con, xã đã tiến hành thu hồi đất tại núi Rố, núi Nhà, với diện tích gần 20.000m2 để quy hoạch nghĩa địa nhân dân theo quy hoạch NTM.

Thuộc diện hộ nghèo, 5 con người sống phụ thuộc vào 2,4 sào đất lúa, nhưng ông Nguyễn Noa (74 tuổi) ở thôn Mỹ Hưng vẫn tình nguyện đổi lấy đất bãi bồi để xây dựng Nhà Văn hóa xã và Khu Di tích chiến thắng Hành Thịnh.

 

Nhà văn  hóa thôn đang được triển khai xây dựng.
Nhà văn hóa xã đang được triển khai xây dựng.



Ông Noa bộc bạch “Đất bãi bồi chỉ làm hoa màu chứ không thể làm lúa được. Dù cuộc sống gia đình còn nghèo khó, nhưng tôi tình nguyện vì cái chung, vì lợi ích to lớn hơn, để người dân dân địa phương có một điểm sinh hoạt cộng đồng, nâng cao dân trí, đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Với cách làm hay, sáng tạo của mình, hiện Hành Thịnh đã đạt 10/19 tiêu chí, gồm quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, bưu điện, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị vững mạnh và an ninh trật tự xã hội.

Ông Huỳnh Văn Tạo- Chủ tịch UBND xã cho hay, trong năm 2013, xã sẽ phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí nữa đó là cơ sở vật chất văn hóa và giáo dục. Những tiêu chí còn lại, Đảng ủy và chính quyền địa phương quyết tâm chỉ đạo, ưu tiên các tiêu chí dễ thực hiện trước và khó thực hiện sau.
 



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.