Thôn khó cần sự “tiếp sức”

08:04, 18/04/2013
.

(QNg)- Từ nhiều năm nay, người dân ở 2 xóm Châu Bình và Châu Lộc thôn Phước An, xã Bình Khương (Bình Sơn) luôn sống trong cảnh “đi chẳng đặng mà ở cũng chẳng xong”.

TIN LIÊN QUAN


Có đến thôn Phước An, xã Bình Khương mới thấu hiểu được sự khó khăn của người dân nơi đây. Đường sá gập ghềnh, lởm chởm đá, mùa nắng bụi bay mù mịt, mùa mưa lầy lội, nước dâng cao chia cắt với bên ngoài. Tất cả các công trình từ trường học, đường sá, cầu cống đều đã xuống cấp. Trong khi đó, mọi hoạt động sản xuất của người dân quanh năm hiện chỉ biết dựa vào nước trời.

Muôn vàn khó khăn

Tháng 3, chưa phải là cao điểm của mùa khô hạn, nhưng hiện 2 đập chứa nước Châu Hòa và Châu Long thuộc thôn Phước An chỉ còn dưới mức 40% thiết kế. Các con suối cũng đã dần trơ đáy. Trên những cánh đồng, người nông dân đang tập trung các máy bơm nước để tưới cho cây trồng đang khô héo.

 

Việc đi lại của người dân thôn Phước An còn gặp nhiều khó khăn.
Việc đi lại của người dân thôn Phước An còn gặp nhiều khó khăn.


Ông Bùi Liên, ở xóm Châu Lộc, thở dài, người nông dân chủ yếu sống nhờ ruộng đồng, vậy mà nguồn nước không có thì làm sao có thể canh tác được. Toàn bộ diện tích đất canh tác ở đây chỉ biết nhờ vào nước trời nên một năm người dân chỉ trồng có 1 vụ nhưng cũng không ăn chắc. Vì không đảm bảo nước tưới nên cây trồng chính của vùng đất này chủ yếu là mía, mì và keo. Năm nào mưa nhiều và mưa đều thì chúng tôi có ăn, còn mấy năm trời hạn thì chỉ có nước đói mà thôi. Nhiều người làm quần quật quanh năm mà vẫn không đủ sống nên đã bỏ đi nơi khác làm ăn hết rồi.

Còn ông Phan Long Phu – Xóm trưởng xóm Châu Bình lo lắng: Không có công trình thủy lợi, các đập bổi mùa hè nước không chảy được nên chỉ làm mỗi vụ đông xuân nhưng cũng bấp bênh, còn vụ hè thu thì coi như bỏ trắng. Người dân chúng tôi có chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống vẫn cứ khó. Vừa nói ông Phu vừa chỉ vào đoạn đường bê tông chỉ mới thực hiện được 46m đã phải bỏ dở giữa chừng vì người dân không có tiền để đóng góp. Muốn xây dựng xong đoạn đường này ngoài sự hỗ trợ 80% nguồn vốn của Nhà nước, mỗi hộ cũng phải đóng vài triệu thì kiếm tiền đâu ra? Ở đây ai cũng còn khó khăn hết.

Mong có sự quan tâm kịp thời

Sản xuất được đã khó nhưng do đường sá đi lại khó khăn, nên nông sản bà con làm ra chỉ bán được với giá rẻ, trong khi đó những thứ mua vào lại chịu giá cao do chi phí vận chuyển. Nhiều học sinh học giã gạo hoặc phải bỏ học giữa chừng vì để đến được trường cấp 2 tại trung tâm xã, con em ở các xóm Châu Long, Châu Bình, Châu Lộc phải đi học khá vất vả. Nhất là vào mùa mưa lũ, các con suối đều bị ngập, cầu cống lại không đảm bảo buộc các em phải nghỉ học.

Ông Nguyễn Đức Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương cho biết: Phước An là thôn còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là người dân ở 2 xóm Châu Bình và Châu Lộc với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã (53 hộ). Thấu hiểu được sự khó khăn của người dân nhưng chính quyền địa phương đành bất lực vì nguồn vốn đầu tư không có. Chúng tôi đã  nhiều lần kiến nghị với cấp trên về vấn đề xây dựng đập chứa nước Hóc Vị để bà con có nước sản xuất. “Thực tế tỉnh cũng đã có về kiểm tra, khảo sát. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả gì”, ông Sơn trăn trở.
        

Bài, ảnh: Hồng Hoa 
 


.