Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi: Cần giải pháp căn cơ

02:05, 13/05/2013
.

(QNg)- Trong hơn 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Ban chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng ở những vùng xa xôi, khó khăn lựa chọn mua sắm. Thế nhưng, giải pháp kích cầu “ưu tiên dùng hàng Việt” này còn nhiều vấn để phải bàn…

TIN LIÊN QUAN


Đưa hàng về… thị tứ, thị trấn

Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi thường được tổ chức vào những tháng cao điểm mua sắm như dịp lễ, tết. Địa bàn mà doanh nghiệp chọn để đưa hàng về cung ứng được chọn là thị tứ, thị trấn. Vị trí tập kết, mở gian hàng lưu động là khu đông dân cư và tất nhiên là… có cả chợ lớn với tràn ngập hàng hóa. Chính vì nơi đây không phải là địa bàn “khát” hàng Việt, nên mục đích của hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được chuyển thành “doanh nghiệp tham gia bình ổn giá”. Đây là việc làm cần thiết để bình ổn thị trường, tạo thuận lợi cho nhân dân mua sắm, tiêu dùng trong dịp lễ, tết. Tuy nhiên, các tiểu thương buôn bán tại các chợ và các cửa hàng buôn bán nằm ở trung tâm huyện lỵ lại kêu ca, phàn nàn vì hoạt động này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của họ.

 

 Chợ
Chợ "di động" ở miền núi.


Chị H.T.L, chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Di Lăng cho biết: “Việc kinh doanh của chúng tôi cả năm chỉ trông chờ vào ba ngày tết, thế mà cứ tết đến một số doanh nghiệp lại đưa hàng về bán ngay ngoài cổng chợ thu hút phần đông khách hàng của chúng tôi. Giá cả, chất lượng hàng hóa dường như giống nhau, nhưng vì tâm lý thích mua hàng của doanh nghiệp nên người dân đã đổ xô mua hàng.

Dĩ nhiên, thị trường hàng hóa càng đa dạng càng tạo sự cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng thực tế ở Quảng Ngãi, chuyện sốt giá, khan hàng hầu như rất hiếm khi xảy ra, kể cả dịp tết. Vì thế hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, nếu tỉnh còn thực hiện thì nên bỏ kinh phí đưa về các vùng xa xôi, hẻo lánh mà sức của tiểu thương khó có thể kham nổi, chứ không chỉ nhắm vào thị trấn, thị tứ như lâu nay.

Doanh nghiệp tự “bơi”

Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi dù được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đánh giá là một trong những hoạt động cơ bản của cuộc vận động. Tuy nhiên, việc làm này mới chỉ dừng lại ở mức độ “kêu gọi” doanh nghiệp nâng cao ý thức phục vụ nhân dân chứ chưa có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện. Trong khi ở một số tỉnh, thành trong nước, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được ngân sách hỗ trợ xăng dầu và một phần chi phí hợp lý khác cho mỗi chuyến đi.

Chủ một siêu thị bán lẻ tại Quảng Ngãi băn khoăn: Đã nhiều năm chúng tôi tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, thậm chí đưa hàng về Sơn Tây, Tây Trà – hai địa bàn xa xôi khó khăn nhất của tỉnh. Thế nhưng mọi chi phí đều do doanh nghiệp bỏ ra, vì thế mỗi chuyến đi hầu như đều lỗ. Nếu tỉnh quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí thì doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi sẽ căn cơ hơn.

Hiện nay có một thực tế hoạt động đưa hàng hóa về phục vụ miền núi, đặc biệt là vùng xa xôi, đường giao thông đi lại khó khăn đều do “chợ di động” tự phát phục vụ. Có thể chở bằng xe ô tô hay xe máy với đầy đủ hàng hóa như một chợ thu nhỏ. Những chiếc xe lăn bánh đến tận cửa ngõ nhà dân phục vụ. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào hoạt động của “chợ di động” thì kinh tế thương mại dịch vụ miền núi bao giờ mới phát triển. Vì thế, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi cần phải được ngành chức năng và chính quyền địa phương phối hợp đưa ra giải pháp thực hiện căn cơ, bền vững, chứ không phải mang tính “phong trào” như hiện nay.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.