(QNg)- Nắng nóng như đổ lửa nhưng trên những cánh đồng trà lúa sớm (hưởng nước từ các hồ chứa nước, đập bổi), vẫn rộn rã tiếng nói cười của bà con nông dân khi đón nhận niềm vui lúa được mùa, được giá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dù bị chuột và sâu bệnh tàn phá nhưng hầu hết diện tích lúa trà sớm (tập trung ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ) đều thu được thắng lợi lớn với năng suất ước đạt 55-58 tạ/ha. Thậm chí nhiều vùng đạt 60 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân 2011-2012 là 4 tạ/ha. Được mùa, cộng với giá cao (6.000-6.500 đồng/kg lúa khô) khiến nông dân hồ hởi và vững tin bước vào vụ sản xuất hè thu 2013.
Trà lúa sớm được mùa, nông dân phấn khởi. |
Mồ hôi ướt đẫm nhưng lão nông Phạm Ngọc Kim ở thôn Phước Lập, xã Đức Phú (Mộ Đức) vẫn cười tươi khi nhìn 21 bao lúa vừa được máy gặt đập liên hợp "nhả" trên bờ. "3 sào mà được bấy nhiêu luôn đó", vừa chuyển lúa lên xe, lão Kim vừa phấn khởi góp chuyện. Còn ông Nguyễn Xuân Tươi cũng không giấu được niềm vui khi 4 sào lúa giống QNT1 đã mang về cho gia đình ngót nghét 27 bao, cao nhất từ trước đến nay.
Lý giải nguyên do trúng mùa, ông Tươi cho rằng đó là nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới đảm bảo lại "né" được nhiều loại sâu bệnh-đặc biệt là không bị bệnh đạo ôn nên cây lúa mới nhiều hạt như thế. "Cây lúa cũng bị chuột cắn phá, bệnh cháy lá phát sinh nhưng nhờ phòng trừ kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất", ông Tươi cho hay. Tuy lúa đầy bồ nhưng cả ông Tươi và ông Kim vẫn bảo "chưa là gì" so với năng suất 7,5-8 bao/sào mà đồng Phủ-nơi có tiếng màu mỡ, phì nhiêu của xã miền núi Đức Phú có được. Chẳng thế mà những ngày này, xứ đồng Phủ rộn rã hơn bởi máy gặt đập liên hợp nổ xập xình cùng tiếng nói cười nói của nông dân trong niềm vui được mùa. Bởi theo họ thì ở các vụ đông xuân trước, lúa đạt năng suất cao nhất cũng chỉ dừng ở mức 6-6,5 bao/sào vì phụ thuộc vào sự đầy, vơi của các hồ chứa nước (HCN). Do đó, sự vượt trội này đã khiến nông dân vô cùng phấn chấn và vững tin để bước vào vụ hè thu.
Không riêng gì Đức Phú (470 ha) mà hàng nghìn ha ở xã Đức Tân, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) và các xã Phổ Ninh, Phổ Hòa, Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thạnh (Đức Phổ), nông dân cũng đang bước vào vụ thu hoạch trà lúa sớm với niềm vui "bể bồ" khi năng suất ước đạt 55-60 tạ/ha. Được con số này, bên cạnh sự thuận lợi của những yếu tố khách quan (nước, thời tiết), việc phòng trừ sâu bệnh kịp thời còn phải kể đến sự góp mặt của các giống trung ngày như: 108, Khang dân đột biến, QNT1, SH2…
Trong khi trà lúa sớm trúng mùa thì diện tích chính vụ cũng đang nhận được sự chăm sóc cẩn thận của nông dân để không "lỡ hẹn" với niềm vui này. Theo ghi nhận của chúng tôi, lúa chính vụ đang ở giai đoạn hạt cườm-nghĩa là nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 7-10 ngày nữa là sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ nhưng vẫn bị các loại rầy đeo bám. Điều này khiến nông dân thấp thỏm vì đây là số diện tích lúa đã được họ dồn sức bảo vệ khi bị chuột và bệnh đạo ôn gây hại, trong khi rầy nâu là đối tượng phá hoại "có tiếng" với tốc độ lây lan cực nhanh. "Lúa đang trổ đều mà bị loài này cắn là sụt giảm sản lượng liền. Ấy vậy nên dù vừa phun thuốc xong nhưng mấy hôm nay tui vẫn soi gốc kỹ lắm. Lỡ chúng quay lại thì khổ", bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cho hay.
Bên cạnh niềm vui được mùa, nông dân ở các cánh đồng trà lúa sớm cũng mong muốn các ngành chức năng sớm kiểm tra, làm rõ vì sao giống lúa thuần chất lượng cao VN121 lại bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng hơn các giống khác. Theo một số bà con, đây là giống lúa được ngành nông nghiệp đánh giá là tiềm năng và có triển vọng sản xuất đại trà. Do đó, rất có thể nguyên nhân nhiễm bệnh là vì giống mới nên cách chăm sóc chưa phù hợp. Về vấn đề này, Sở NN&PTNT cũng đang tiến hành kiểm tra để có câu trả lời chính xác nhất, từ đó đề ra giải pháp khắc phục để nông dân có được niềm vui trọn vẹn hơn.
Bài, ảnh: PV