Người chăn nuôi gồng mình "gánh" lỗ

02:04, 06/04/2013
.

(QNg)- Giá heo hơi trên thị trường đang ở mức 35.000 - 38.000 đồng/kg nhưng vì bị thương lái ép, không ít người chăn nuôi chỉ bán được 33.000 - 34.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành chăn nuôi.

TIN LIÊN QUAN


"Treo chuồng" vì… lỗ


Là một trong những người có tiếng "mát tay" nuôi heo với số lượng lớn ở huyện miền núi Minh Long, nhưng hiện giờ anh Đinh Văn Tiến ở thôn Biều Qua, xã Long Sơn cũng đành ngậm ngùi "treo chuồng" vì giá heo rớt dài, trong khi chi phí chăn nuôi thì lại tăng phi mã. Ấy vậy nên dù đã tận dụng triệt để các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho heo, nhưng lứa vừa rồi, anh Tiến vẫn bị lỗ đến 4 triệu đồng. "Cả gia đình hy vọng 15 con heo thịt sẽ cho ít tiền lãi để trang trải chi phí và trả bớt nợ nần. Không ngờ giá chỉ còn 34.000 đồng/kg hơi nên mình phải bù lỗ. Khổ thật", anh Tiến than thở. Còn bà Nguyễn Thị Thư ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân (Mộ Đức) thì rầu rĩ vì đàn heo thịt 20 con (trung bình 70 kg/con) chỉ bán được 50 triệu đồng (36.000 đồng/kg) - mất trắng 6 triệu đồng chưa kể công chăm sóc. Chẳng thế mà thay vì dọn dẹp chuồng trại để đầu tư lứa heo mới như mọi khi, lần này bà Thư lại "treo chuồng" vì cạn cả sức lẫn vốn.

 

Giá heo giảm, giá thức ăn tăng khiến người chăn nuôi phải gồng mình gánh lỗ.
Giá heo giảm, giá thức ăn tăng khiến người chăn nuôi phải gồng mình gánh lỗ.


Không riêng gì anh Tiến, bà Thư mà hiện giờ, hàng chục nghìn nông dân trong tỉnh nói chung cũng đang điêu đứng vì giá heo lao dốc và chưa có dấu hiệu chững lại. Đã thế, các công ty sản xuất và cung ứng thức ăn chăn nuôi cho heo tiếp tục đòi tăng giá bán (năm 2012 đã tăng 4 lần) càng khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh khốn đốn do lỗ kép. Hiện tại, giá các loại thức ăn tổng hợp đã tăng từ 5-20% so với trước. Cụ thể, cám dành cho heo sữa giá từ 420.000-450.000 đồng/bao 25kg, cám viên dùng cho heo thịt 270.000 - 330.000 đồng/bao 25kg. Nhưng đây là mức giá bán sỉ tại các đại lý, còn khi đến tay người chăn nuôi, nó có thể bị "đội" cao hơn.

Người chăn nuôi cần được trợ sức

Lâu nay trong dây chuyền sản xuất - tiêu thụ, dường như nông dân - đối tượng chính tạo ra sản phẩm lại bị thiệt thòi nhiều nhất. Ngay cả khi giá heo tăng, người chăn nuôi vẫn bị ép đủ đường, nên lợi nhuận chẳng đáng là bao. "Thương lái vẽ ra nhiều lý do cốt để hạ giá. Thông thường họ mua heo hơi thấp hơn thị trường 2 - 4 giá. Nếu mình bất hợp tác thì càng thiệt vì bị ép và làm giá… thấp hơn", anh Lê Văn Mười- chủ trại heo ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn (Minh Long) cho hay.

Hiện nay, không chỉ những chủ trang trại nuôi heo quy mô lớn, có tiềm lực mà cả những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng bỏ dự định gầy đàn. Điều này dễ dẫn đến hệ lụy của bài toán cung - cầu muôn thuở. Do đó, để hạn chế những thiệt hại do chênh lệch cung - cầu gây ra, thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước cần thực hiện những biện pháp căn cơ nhằm bình ổn, kiểm soát giá heo hơi cùng các mặt hàng thức ăn chăn nuôi. "Nhưng đó là về lâu dài. Còn trước mắt, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng tạo điều kiện để được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, có cơ hội gầy đàn và phục hồi sản xuất", ông Nguyễn Đỗ Tri ở thôn Đại An Tây, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) chia sẻ. Có lẽ, đó cũng là nguyện vọng của hầu hết người nuôi heo trong tỉnh trước tình hình khó khăn hiện nay.  
         

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.