Mưu sinh nơi bến cá

04:04, 17/04/2013
.

(QNg)- Phụ nữ vùng biển ngày nay không chỉ biết “ngồi chờ chồng và nuôi con”. Những công việc nặng nhọc nơi bến cá được các chị đảm đương đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từng gánh cá trên vai các chị là “cần câu cơm” nuôi  những đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

TIN LIÊN QUAN


Bến cá Mỹ Á (xã Phổ Quang) và Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh), huyện Đức Phổ những ngày này nhộn nhịp tàu ghe. Những chuyến tàu đầy ắp cá, mực đã đem đến niềm vui không chỉ cho chủ tàu và ngư dân đi bạn mà còn tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ đang mưu sinh tại đây.

Vất vả mưu sinh

“Tàu về, tàu về...”. Tiếng gọi nhau í ới của các chị vang cả một góc bến cá Mỹ Á. Chiếc tàu QNg 44536TS cập bến, mang theo gần 4 tấn cá ngừ. Tàu buông neo, lần lượt từng thúng cá được các chị chuyền tay nhau đưa lên bờ. Rồi hơn chục chị nữa đứng chờ sẵn để phân loại, ướp đá cho cá để xếp thành từng thùng cho xe tải chở đi. Trên bến cá còn có nhiều chị em buôn thúng bán bưng, lấy cá bán lại. Bằng xe máy, xe đạp họ tỏa về các nơi lân cận để bán. Trời vừa hửng nắng, nhưng mặt ai cũng ướt nhẹp mồ hôi.

 Lao động nữ tại bến cá Mỹ Á.
Lao động nữ tại bến cá Mỹ Á.


Xếp từng con cá vào khay, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt rám nắng, chị Nguyễn Thị Hường (40 tuổi, thôn Hải Tân, Phổ Quang) chậm rãi nói: “Chồng đi bạn ngoài khơi mỗi tháng về một lần nhưng thu nhập bấp bênh lắm. Nhà có 6 miệng ăn, cứ trông chờ vào mình ổng thì biết bao giờ mới khấm khá. Mình ra đây làm mỗi ngày cũng được trên dưới trăm ngàn đồng. Số tiền đủ trang trải cuộc sống thường ngày. Mùa biển năm nay nhiều cá nên công việc kéo dài được lâu. Nhờ vậy mà thu nhập cũng khá”. Theo chị Hường, mỗi ngày có khoảng 20 chị em túc trực nơi bến cá Mỹ Á. Tàu về người ta thuê làm gì các chị làm nấy.

Trong khi đó, tại bến cá Sa Huỳnh, gần 100 chị em ở cơ sở chế biến mực khô Thanh Mẫn cũng đang miệt mài với hàng tấn mực tươi. Các chị thật sự vất vả bởi cả ngày quần quật với những công việc cần sự tỉ mỉ và cũng tốn không ít sức. Chị Trần Thị Thu (48 tuổi, thôn Thạch By 2, Phổ Thạnh) cho biết: “Cuộc sống khó khăn, chồng bỏ theo người khác, một mình nuôi hai con ăn học chẳng dễ chút nào. Cũng may có nghề chế biến mực khô này, mỗi ngày kiếm được hơn 150 ngàn đồng, ba mẹ con gói ghém cũng sống được”.

Hy vọng...

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị em nào cũng có niềm tin vào ngày mai no đủ hơn. Bởi sau lưng các chị là những người con đang cố gắng học tập, với ước mơ thoát khỏi cái nghèo. Chị Trần Thị Thu khoe: “Hai đứa con mình đứa nào cũng ngoan. Con bé lớn chuẩn bị tốt nghiệp Trường đại học Quy Nhơn, còn thằng con trai đang học năm hai Trường đại học Nha Trang. Biết mẹ làm việc nặng nhọc nên chúng nó lo học hành, rồi làm thêm để trang trải cuộc sống. Niềm vui của mình sau một ngày làm việc là được nghe chúng nó gọi điện về bảo khỏe mạnh, học tốt”.

Trên bến cá, nhiều mảnh đời bất hạnh cũng đang gắng gượng vượt qua giông bão cuộc đời. Nước mắt rưng rưng, chị Nguyễn Thanh Huyền (35 tuổi, xã Phổ Quang) nhớ lại: “Ngày mới sinh con đầu lòng, được tin ảnh gặp nạn trên biển. Con chưa gặp cha một lần. Đầy tháng, gởi con cho ông bà ngoại, mình ra bến cá tìm việc làm. Sức yếu, việc nặng khiến mình muốn gục ngã. Nhưng còn con thơ với cuộc sống dài phía trước, mình như được tiếp thêm sinh lực để đứng lên. Giờ tất cả cuộc sống của mình là vì đứa con bé bỏng”.

Nhiều chị em nơi bến cá còn dõi theo bóng của chồng, của con trai đang lênh đênh trên các vùng biển, khi nghe biển động, có bão biển là họ lại bỏ công bỏ việc lặng lẽ ra bờ biển ngóng chồng, ngóng con. Những hy vọng về các chuyến tàu bình yên cứ hiển hiện trong đầu họ. Chỉ có niềm tin mới giúp chị em đứng vững trước biết bao khó nhọc của cuộc sống.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.