(QNĐT)- Tháng 3, đất đảo Lý Sơn “vắng” dần những mưa. Cây trồng trên đồng “khát” nước kém xanh hẳn. Để đáp ứng đủ nước cho cây trồng, nông dân Lý Sơn không quản ngày đêm nỗ lực thực hiện các giải pháp đưa nước về đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người vét giếng, khơi mạch nước ngầm tít tận dưới mấy tầng sỏi đá. Nhà nhà thỏa ước tưới luân phiên, chia nhau từng giọt nước – vốn được ví quý như hạt ngọc cho cây trồng. Hộ có điều kiện thì áp dụng hệ thống tưới phun bán tự động. Mùa hạn này ở Lý Sơn xem ra đã có giải pháp chống hiệu quả…
* Tìm mạch nước ngầm
Cánh đồng Trên, thôn Đông, đảo Lý Sơn tháng ba nắng như đổ lửa. Gió mang theo hơi mặn “se” vào từng ngọn hành, đọt bắp làm cho lá xoăn lại. Chỉ có nước ngọt mới có thể gột rửa được lớp nước biển mặn như muối “ám” ấy mà thôi. Vì thế, không kể sáng, trưa, chiều, tối, những người nông dân Lý Sơn kiên trì bám trụ nạo vét các giếng khơi, đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng.
Nông dân thôn Đông, xã An Hải vét giếng “tìm” thêm nguồn nước tưới cho cây trồng. |
Lão nông Dương Bửu (78 tuổi), ở thôn Đông, xã An Hải đang cùng con trai, con dâu vét giếng, khơi mạch nước để máy bơm tưới cho vuông hành vừa nhú xanh khỏi mặt cát. Dù tuổi đã cao nhưng ông Bửu vẫn thao tác nhanh nhẹn khi chuyển từng xô cát được con trai vét dưới đáy giếng đổ lên bờ. Ông Bửu bảo: “Năm nay ngó bộ hạn nặng đây! Mới đầu mùa nắng mà đã thiếu nước rồi. Cả nhà phải cùng ra đồng vét giếng, để tìm thêm mạch nước ngầm mới mong tưới đủ cho đám hành này”.
Cả cánh đồng hầu như chỗ nào có giếng thì chỗ đó có người vét giếng! Cần mẫn dùng xẻng chấn mạnh vào mặt cát sỏi để xúc bỏ vào xô, anh Nguyễn Đại, ở thôn Đông, xã An Hải bảo rằng: “Hai hôm trước, mực nước dưới giếng còn đủ chạy tưới cho hơn 1 sào hành. Thế mà hôm nay vừa đặt máy bơm độ 20 phút thì nước đã cạn. Ngừng chạy để vét thêm chút đỉnh cho nước ngầm chảy ra, mới có nước tưới”.
Mỗi người mỗi ngày ra đồng chạy nước lại ý thức khơi thêm một mạch nước ngầm, chắc chắn những vuông hành, bắp, đậu xanh sẽ có thêm cơ hội sống tốt, vươn xanh, ra hoa, kết trái, cho củ giúp nông dân đất đảo thắng lợi dù đó là mùa hạn.
* Tưới tiết kiệm
Mùa hạn này, một số nông dân Lý Sơn chủ động hơn trong ứng phó với nạn thiếu nước tưới. Bởi vì những vuông hành của gia đình đã được hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới phun bán tự động để “giải quyết” 3 vấn đề của cây trồng trên đồng hạn.
Ông Ngô Văn Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân Lý Sơn cho biết: Tưới phun bán tự động nhằm tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm nhân công, phòng bệnh hiệu quả cho cây trồng”. Với tổng kinh phí lắp đặt thí điểm 7 ha hệ thống này là 5,85 tỷ đồng, gồm An Vĩnh 4ha, An Hải 3ha.
Nhiều gia đình cùng chung một giếng nước, “chia sẻ” tưới luân phiên. |
Một số hộ nông dân không thuộc diện được hỗ trợ đã tự đầu tư lắp đặt, với số tiền bỏ ra khoảng 5 triệu đồng/sào.
Ông Đoàn Bổn, thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết: “Nhờ được lắp đặt hệ thống tưới phun này mà các ruộng hành được tưới đảm bảo hơn. Chỉ cần một người canh chừng để tắt – mở van tưới là đủ. Trước tưới thủ công ít nhất phải có hai người, vác ống nước rê từng bước mà tưới.
Ngoài ra, mùa hạn năm nay, cơ quan chức năng Lý Sơn còn tổ chức tuyên truyền trong nông dân “chia sẻ” nước tưới bằng cách tưới luân phiên cho cây trồng. Thực tế ở Lý Sơn, năm mười vuông hành, tỏi, đậu, bắp mới có một cái giếng khơi. Những chiếc máy bơm nối với ống dẫn nước chạy liên tục từ vuông này qua vuông khác.
“Sự chia sẻ này giúp cho công tác chống hạn ở Lý Sơn thành công, bảo vệ thành quả lao động cho nông dân huyện đảo” – ông Ngô Văn Hồng, Chủ tịch Hội nông dân huyện Lý Sơn khẳng định.
THANH NHỊ