(QNg)- Vụ sản xuất đông xuân 2012-2013 và cả vụ hè thu 2013 đang đối mặt với nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn, bởi hiện nay các hồ chứa nước (HCN) cũng chỉ tích được khoảng 65% dung tích thiết kế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
UBND tỉnh đã có Chỉ thị 03/CT-UBND "Về việc phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2012-2013, vụ hè thu 2013 và cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi", yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ những biện pháp chống hạn. Đồng thời UBND tỉnh cũng có Tờ trình đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi 70 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2013. |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT thì diện tích sản xuất nông nghiệp năm 2013 có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn lên đến 36.204 ha (vụ đông xuân 9.839 ha và vụ hè thu 26.365 ha). Do đó, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra cho cây trồng, chính quyền các địa phương và người dân đang tích cực triển khai nhiều biện pháp đối phó.
Căng thẳng với nước
Đầu vụ đông xuân 2012-2013, không ít HCN vừa cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất vừa… ngóng trời. Nguyên nhân là trong năm 2012, lượng mưa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 20-70% khiến HCN phải chịu cảnh… khát. Thậm chí, nhiều HCN còn trơ đáy khiến nông dân lo lắng.
Bước sang năm 2013, tình trạng thiếu nước lại diễn biến theo chiều hướng xấu khi Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ nhận định: Vụ đông xuân 2012-2013, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn Quảng Ngãi ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, trong khi nền nhiệt cao nên hạn hán rất dễ xảy ra trên diện rộng. Mới đầu tháng 3 mà mực nước của các HCN đã và đang sụt giảm đến mức đáng ngại. Điển hình như tất cả 6 HCN ở "vựa" lúa Mộ Đức hiện chỉ còn 40-70% dung tích chứa khiến hơn 600 ha của 3 xã Đức Phú, Đức Lân và Đức Tân phập phồng sợ khát. Còn HCN Hố Cả, xã Long Mai (Minh Long), lượng nước đã giảm 55% nên 163 ha lúa của hai huyện Nghĩa Hành và Minh Long cũng đang bị đe dọa.
Hồ chứa nước Hố Cả, xã Long Mai (Minh Long) hiện chỉ còn khoảng 45% dung tích thiết kế. |
Nhiều diện tích phụ thuộc vào sông, suối cũng có nguy cơ bị hạn khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Điển hình như ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), địa phương có 100% diện tích cây trồng phụ thuộc vào sông Vệ và nước trời thì vấn nạn hạn hán sẽ rất khốc liệt. Còn ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) thì tình trạng này cũng căng thẳng không kém khi nước phục vụ sản xuất gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các đập Quánh, Hiền Lương hay Tân Quang. Khi mực nước của các đập này sụt giảm sẽ kéo theo hàng loạt bầu chứa khô cạn. "Điều này chẳng những làm đồng ruộng khát nước mà còn khiến nó bị đe dọa bởi nạn xâm nhập mặn", ông Nguyễn Đà - Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa lo lắng.
Tổng lực chống hạn
Hiện nay, các ngành chức năng và nông dân trong tỉnh đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp chống hạn như: Điều tiết nước từ các HCN và Thạch Nham bằng cách tưới luân phiên, tăng cường nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy, chống thất thoát nước; đắp đập ngăn nước, dùng máy bơm hoặc đào giếng. Tại xã Nghĩa Hòa, dù đã quen với việc sản xuất nhờ mô tơ bơm nước nhưng hiện giờ, nông dân vẫn không ngần ngại đóng thêm 25 cái giếng, thuê 2 máy bơm (hiện đã có 4 cái) để phòng trường hợp các đập tưới bị cạn. Còn tại xã Hành Thiện, chính quyền và người dân cũng đã sẵn sàng nhân lực và vật lực để đắp đập ngăn và tích nước, đảm bảo các trạm bơm được hoạt động nếu sông Vệ bị cạn nước.
Đối với xã miền núi Đức Phú, bên cạnh sự "hậu thuẫn" của UBND huyện Mộ Đức là triển khai xây dựng 2 đập Đồng Chay và Bầu Hùng (kinh phí hơn 2 tỷ đồng) để tận dụng nước của hồ Phước Lộc, chính quyền địa phương còn vận động nhân dân chuyển đổi gần 70 ha diện tích lúa ở chân ruộng cao sang trồng cây màu (ngô, đậu phụng và dưa hấu) trong vụ hè thu 2013. "Đây được xem là giải pháp hữu hiệu vừa chống hạn, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất cho nông dân", ông Nguyễn Giáp Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú khẳng định.
Bài, ảnh: MỸ HOA