Vinasoy Quảng Ngãi: Vươn tầm thế giới

08:02, 24/02/2013
.

(QNg)- Vượt qua những khó khăn của năm 2012, Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi vẫn đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản xuất và chế biến sữa đậu nành tại Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN


Theo khảo sát của Nielsen, gồm liên danh 6 công ty của Ấn Độ, chuyên nghiên cứu về thị trường, hiện nay, các sản phẩm của Vinasoy chiếm 75% thị phần cả nước. Không chỉ là nhà sản xuất sữa đậu nành số 1 Việt Nam mà Vinasoy còn được xếp vào tốp 5 nhà máy sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Theo ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc Vinasoy, để có được hiệu quả đó là nhờ công ty đã áp dụng "chiến lược" văn hóa doanh nghiệp trong sạch - sức mạnh để Vinasoy có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được người tiêu dùng tin yêu trong nhiều năm qua.

 

Dây chuyền sản xuất sữa đậu nành Vinasoy.                                                                                                 Ảnh: HT
Dây chuyền sản xuất sữa đậu nành Vinasoy. Ảnh: HT


 "Vinasoy có gần 1.200 người (bao gồm cả sản xuất trực tiếp và gián tiếp ngoài thị trường), quản lý 128.000 điểm bán hàng trên toàn quốc. Tất cả cán bộ, nhân viên đều sống "khỏe" từ lương, với mức lương bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng" - ông Tụ thẳng thắn. Theo ông Tụ, vì không có mâu thuẫn về quyền lợi, cán bộ, nhân viên đều "làm theo năng lực, hưởng theo lao động". Chính văn hóa trong sạch đó đã lôi kéo được ba đơn vị thành viên khác của Công ty CP Đường Quảng Ngãi học tập, làm theo. Để "quy định thép" đó thành công, tất nhiên Vinasoy đã có những cách làm riêng, đảm bảo tốt cuộc sống người lao động. Bí quyết mà theo vị giám đốc Vinasoy là kinh doanh không theo kế hoạch mà vượt kế hoạch. "Nếu làm theo kế hoạch công ty mẹ giao thì chúng tôi chẳng thể khá hơn được. Vì vậy, trong năm 2012, Vinasoy cung ứng ra thị trường 625 triệu sản phẩm, vượt 10 triệu sản phẩm (kế hoạch giao 615 triệu sản phẩm/năm).

Trong công ty là vậy, với mối quan hệ làm ăn với nông dân lại càng phải chân thật hơn để đảm bảo ổn định nguyên liệu sản xuất. Hiện đậu nành chủ yếu của nhà máy được lấy từ Đắc Nông. Qua nhiều năm phối hợp với nông dân, bốn lần tổ chức Hội nghị đầu bờ, từ ban đầu chỉ có 15 người tham gia, giờ đây đã lên tới 150 người (không mời mà họ tìm đến). Ông Tụ lý giải, bởi vì họ đã được nghe nói thật, nhà máy đã mang lại quyền lợi cụ thể cho họ theo như cam kết. Bằng chứng là Vinasoy đang mua đậu nành của người dân cao hơn 3.000 - 4.000 đồng so với giá thị trường. "Hãy cứ để cho bà con nông dân nói, lắng nghe và giải quyết ngay tức thì trong phạm vi có thể. Nói sao làm vậy, không được bội tín với dân"- ông quả quyết.

Để Vinasoy vững vàng trên ngôi vị quán quân cung cấp sữa đậu nành, tôi hỏi ông có chiến lược nào không? Ông Tụ cười nói, chiến lược thì to tát quá, nhưng Vinasoy đã xác định mũi nhọn là hướng đi tập trung vào ngành hàng sữa đậu nành chứa trong hộp giấy nên sẽ tiếp tục đào sâu vào ngành hàng đó. "Tập trung để dẫn đầu và dẫn đầu để tập trung"- ông Tụ chia sẻ.

Theo dự báo, năm 2013 tình hình kinh tế vẫn rất khó khăn, để giữ vững thị trường, kinh doanh hiệu quả, Vinasoy tiếp tục quán triệt văn hóa doanh nghiệp trong sạch, sản xuất tập trung (chỉ sản xuất sữa đậu nành chứa trong hộp giấy). Bên cạnh đó, Vinasoy gấp rút hoàn thành nhà máy chế biến sữa đậu nành thứ 2 tại Bắc Ninh với công suất 180 triệu lít sữa/năm để đầu tháng 4/2013 đưa vào hoạt động. Khi đó, cộng hai nhà máy lại, Vinasoy sẽ có sản lượng sữa cung ứng hàng năm lên tới hơn 300 triệu lít đến với người tiêu dùng.


Triều Minh

 


.