(QNĐT)- Hai năm qua, các nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu ở Quảng Ngãi thi nhau mọc lên. Chính vì đầu tư thiếu quy hoạch, tự phát nên các nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất, tranh nhau mua nguyên liệu và hậu quả, nguyên liệu kém chất lượng, nhà nhập khẩu ép giá, doanh nghiệp và người trồng keo “đều chết”
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những năm qua, keo được xem là cây xóa đói giảm nghèo không chỉ của người dân Quảng Ngãi mà của cả người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là khu vực miền Trung. Giá nguyên liệu cao, cây keo đã giúp cho hàng ngàn hộ dân, nhất là người dân ở miền núi đổi đời.
Hàng chục xe chở nguyên liệu giấy chầu chực trước Cảng Dung Quất để được xuất hàng. |
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Quảng Ngãi có tới 21 nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu. Riêng trong năm 2012, đã phát sinh thêm 5 nhà máy và chỉ tính tại KKT Dung Quất đã có tới 11 nhà máy. Chính việc phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch đã dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”. Hậu quả là giờ đây không ít nhà máy dăm gỗ ở Quảng Ngãi rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, thậm chí là đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
Thiếu nguyên liệu sản xuất, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ tại Quảng Ngãi chỉ hoạt động cầm chừng. |
Ông Nguyễn Nị- Giám đốc Công ty cổ phần nguyên liệu giấy Dung Quất cho biết: Chính vì việc phát triển ồ ạt các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đó là nguyên liệu không đủ để các nhà máy thu mua chế biến. Để có nguyên liệu chế biến, nhiều nhà máy đã tìm mọi cách để thu mua keo trong dân, kể cả keo non chưa đủ tuổi.
Ông Nị tính toán, hiện trung bình một nhà máy công suất 4 triệu tấn/năm, vì vậy trung bình một ngày mỗi nhà mày chế biến ít nhất là 1.000 tấn gỗ nguyên liệu. Với 21 nhà máy như hiện nay để bảo đảm công suất hoạt động, mỗi ngày cần tới 21.000 tấn nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu của tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới đáp ứng được 30%. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc tranh mua nguyên liệu, thậm chí mua cả cây non nên chất lượng gỗ dăm xuất khẩu không đảm bảo, các đối tác bắt đầu quay lưng, ép giá.
Hiện thị trường tiêu thụ dăm gỗ của Quảng Ngãi chủ yếu là thị trường Trung Quốc và một phần Nhật Bản. Chính vì vậy, giá cả phụ thuộc rất lớn vào các đối tác này. Do tình trạng bất cập của các nhà máy dăm gỗ nên các đối tác đã ép giá, vì cho rằng gỗ dăm xuất không đạt chất lượng, khiến giá nguyên liệu rớt thảm hại. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ thua lỗ nặng.
Giá nguyên liệu giảm, người trồng rừng nguyên liệu chịu thiệt. (Trong ảnh: người dân thu hoạch keo bán cho nhà máy). |
Nếu như đầu năm, giá dăm gỗ xuất khẩu là 138 USD/tấn, sau đó chỉ còn 120 USD/tấn. Hiện đã nhích lên được một tí, tuy nhiên với giá trên nhiều doanh nghiệp vẫn thua lỗ. Giá nguyên liệu rớt, không chỉ doanh nghiệp khó khăn, mà người trồng keo cũng chịu cảnh khốn đốn, bởi giá thu mua nguyên liệu sụt giảm mạnh.
Bên cạnh giá nguyên liệu xuất khẩu giảm, nguyên liệu thu mua chế biến không đủ thì chi phí xuất hàng qua cảng quá cao cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ đang "kêu trời".
Ông Nguyễn Nị- Giám đốc Công ty cổ phần nguyên liệu giấy Dung Quất than vãn: So với các tỉnh thì giá chi phí xuất hàng qua cảng Dung Quất cao nhất cả nước, thậm chí cao gấp đôi so với các cảng trong khu vực. Nếu tính trung bình, xuất một tàu dăm gỗ (35.000-40.000 tấn) thì chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra tới 2 tỷ đồng. Trong khi nếu xuất ở cảng khác trong khu vực thì chi phí chưa tới 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến gỗ dăm không thể vận chuyển đến các cảng khác trong khu vực được, bởi chi phí vận chuyển đến các tỉnh cao, nếu cộng lại còn cao hơn khi xuất tại cảng Dung Quất.
Cũng theo ông Nguyễn Nị, với đà này không không bao lâu nữa hàng loạt doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở Quảng Ngãi sẽ phá sản vì không đủ lực để trụ. Đây chính là hệ quả của việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch và không nắm bắt được thị trường.
Bài, ảnh: M.Toàn