Đổi đời từ cây keo

08:12, 20/12/2012
.

(QNg)- Những năm gần đây, cây keo trở thành cây "chủ lực" và là nguồn thu nhập ổn định của người dân các huyện miền núi. Nhờ cây keo mà nhiều người đã trở nên khấm khá hơn… Từ bao đời nay, người dân các huyện miền núi luôn sống nhờ vào lâm nghiệp, nhưng chưa biết cách bảo vệ và khai thác. Nhiều gia đình cuộc sống từ lâu chỉ quen với cách thức sản xuất trồng cây, nuôi con "ăn liền"… Nhưng sau khi thấy chủ trương và chính sách ưu đãi của Nhà nước nên đã tâm huyết đầu tư trồng rừng theo hướng lâu dài, bền vững.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi về một số thôn làng Cor vào những ngày chớm đông. Làng vắng vẻ, chỉ có trẻ con và người già ở nhà, còn tất cả đều lên rẫy trồng keo. Đối với đồng bào miền núi, những năm gần đây nhờ trồng keo mà nhiều gia đình đã đổi đời, có tiền làm nhà, mua xe máy và cho con ăn học.

 

Người dân xã Ba Lế (Ba Tơ) phát dọn thực bì để trồng keo.
Người dân xã Ba Lế (Ba Tơ) phát dọn thực bì để trồng keo.


Gặp chúng tôi, chị Phạm Thị Âm ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang (Ba Tơ) hồ hởi khoe: "Có được nhà cửa để ở, xe máy để đi, con cái có tiền ăn học là nhờ bán keo hết đấy. Trước đây nhà tui làm gì có thể thu một lúc cả trăm triệu đồng, nhưng giờ thì được rồi. Tất cả cũng nhờ cây keo hết đấy, bà con chúng tui vui lắm".

Bên cạnh đó, cũng nhờ trồng keo mà bà con đồng bào miền núi có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập. Hiện nay, một ngày công người dân có thể kiếm được 110-120 ngàn đồng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì đây là một số tiền không nhỏ. Trước đây, nhiều người phải đi làm ăn xa, nhưng một ngày cũng chưa chắc kiếm được 100 ngàn đồng. Tuy có điều kiện để kiếm thêm thu nhập như thế nhưng ở thời điểm hiện nay việc thuê nhân công để trồng keo cũng không hề dễ dàng. Bởi trong thời gian này đang là mùa thuận lợi để trồng keo. Vả lại, người dân cũng vừa được cấp 1000 cây keo con/hộ theo Chương trình 30a: Hỗ trợ nông, lâm nghiệp, thủy sản cho đồng bào miền núi, nên ai cũng tranh thủ trồng.

Không để đất trống đồi trọc, sau khi thu hoạch xong, người dân lại tiếp tục trồng keo. Đối với người dân miền núi hiện nay, cây keo luôn là lựa chọn "số 1".

Ông Phạm Văn Noan - Chủ tịch UBND xã Ba Giang cho biết: Trước đây người dân Ba Giang chủ yếu trồng mì, trồng lúa. Thu nhập một năm chẳng đáng là bao. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây nhờ trồng keo mà đời sống bà con đã khấm khá hơn, số hộ nghèo giảm xuống. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ keo nên người dân đã biết chăm chút cho rừng keo của mình nhiều hơn. Họ thường xuyên phát chồi để cây keo có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, sự vào cuộc của nhiều dự án nên người dân đã có điều kiện để phát triển trồng rừng, đem lại hiệu quả kinh tế, thoát nghèo bền vững; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng.

Trên những triền đồi, dọc theo các cung đường về các thôn làng đâu đâu cũng thấy những rừng keo bạt ngàn, xanh mướt. Đây đó nhấp nhô những bóng người đang lom khom trồng keo. Tất cả mọi người đều nâng niu, chăm chút đặt những cây keo con xuống đất như muốn gửi một niềm tin: Cây keo sẽ giúp họ đổi đời…      


Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.