(QNg)- Hơn một năm hoạt động, HTX nghề cá Bình Chánh đã có nhiều nỗ lực giúp ngư dân bám biển. Tuy vậy, nhìn về vai trò là "bà đỡ" giúp ngư dân vượt qua khó khăn trước nghề câu mực lao đao thì HTX chưa thể thực hiện được nên tỉnh cần có chính sách để hỗ trợ HTX hoạt động, giúp ngư dân vay vốn vươn khơi đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thoát nạn nhờ HTX
20 xã viên của HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá xã Bình Chánh là những ngư dân can trường bám biển Trường Sa, Hoàng Sa để hành nghề câu mực truyền thống. Nghề này có đặc thù riêng là có nhiều bạn tàu, có phiên biển kéo dài, hành nghề nhọc nhằn và ẩn chứa nhiều rủi ro hơn các nghề khác. Ngư dân Nguyễn Quốc Toàn, chia sẻ: "Một chuyến biển hành nghề câu mực kéo dài từ 2-3 tháng. Kể từ khi tàu mẹ chở anh em bạn tàu và hàng chục chiếc thúng ra đến nơi đánh bắt là hàng đêm mỗi ngư dân tự mình độc hành trong chiếc thúng gieo neo trên biển, cách tàu mẹ từ 1-2 hải lý để câu mực. Có khi gặp luồng gió chướng thổi thúng trôi dạt hàng chục hải lý... Đã có nhiều bạn tàu mất tích hay đắm mình dưới biển sâu".
Giá mực hạ dài, nên mực tồn kho, bà con làng chài Bình Chánh phải đem mực ra phơi đợi ngày được giá. |
Hơn 1 năm, HTX đi vào hoạt động đã hạn chế sự rủi ro rất nhiều cho ngư dân. Chị Nguyễn Thị Luyến - vợ của chủ tàu Nguyễn Tấn Điệp, kể: Tháng 4 âm lịch năm qua, trên tàu có 3 thuyền viên bị đau đột ngột. Người bị đau ruột, người bị tai biến. Chồng chị đã liên hệ với HTX nhờ can thiệp về mặt thủ tục để đưa vào đảo Sinh Tồn chữa trị. Sau hai tuần, tuy các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe rất yếu không thể đi tàu cá trở về đất liền. May nhờ HTX liên hệ với tàu Hải quân vùng 4 đưa anh em về đất liền tiếp tục chữa trị. Nay họ đã bình phục và ra khơi trở lại.
Trong năm qua, HTX nghề cá Bình Chánh đã tạo điều kiện cho 40 ngư dân tham gia lớp học thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4. HTX còn cấp 83 tủ thuốc vì sức khỏe cho xã viên và ngư dân, xây dựng nhà tình thương, cấp sổ tiết kiệm cho xã viên nghèo.
Những việc làm của HTX bước đầu đã đem lại niềm tin, chỗ dựa về tinh thần cho ngư dân bám biển. Tuy nhiên, về lâu dài ngư dân rất cần một chính sách thích hợp như hỗ trợ vốn để đóng tàu lớn chuyển đổi ngành nghề ra khơi bám biển. Bởi hiện nay nghề câu mực truyền thống không thể tồn tại được trước giá mực ngày càng hạ dài.
"Khát" nguồn vốn vay
Ngư dân Nguyễn Văn Trung, cho biết: Năm qua giá mực "rớt" xuống còn 50.000 - 60.000 đồng/kg, thấp hơn 2 lần so với trước, có thời điểm giá chỉ còn 1/3 so với trước đây. Trong khi chi phí lại quá cao, mà bạn thuyền thì tìm khó. Nói rồi anh Trung tính nhẩm: Một chuyến biển mất khoảng 2.000 lít dầu, 45 bình gas, 2,5 tấn gạo... chưa kể mắm muối, mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm khác, trị giá khoảng 600 triệu đồng. Sau 2,5 tháng trở về tàu đánh bắt được 18 tấn mực, nhưng chỉ thu hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này chia cho 38 bạn tàu thì còn lại chẳng bao nhiêu. Với đà này bà con khó mà tồn tại gắn bó với nghề câu mực được nữa.
Ngư dân Nguyễn Dần lý giải: Cùng ngư trường đánh bắt là Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng hành nghề lưới vây chỉ mất khoảng từ 15 - 20 ngày, chi phí tổn khoảng 200 - 250 triệu đồng, với 15 bạn tàu là đủ... Còn hành nghề câu mực thì phải gấp đôi, gấp ba. Vốn lớn nên mang nặng nỗi lo, nhất là thời điểm giá mực quá hạ. Vì vậy ai cũng muốn chuyển sang nghề lưới vây nhưng không có vốn.
Hơn 80 chủ tàu hành nghề câu mực khơi ở xã Bình Chánh đều có chung hoàn cảnh như ngư dân Nguyễn Dần. Vì quá lỗ mà mùa biển năm qua, đã có nhiều tàu bế tắc trong việc tìm hướng đi nên đành tàu để nằm bờ.
Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá xã Bình Chánh cho biết: Vốn điều lệ các xã viên đóng góp ban đầu là 400 triệu đồng. Số tiền này, HTX chỉ hoạt động trong giới hạn cầm chừng, không thể cho xã viên vay được. Hơn một năm thành lập, HTX có nhiều lần kiến nghị lên ngành chức năng hỗ trợ vốn ưu đãi để HTX có nguồn vốn làm dịch vụ kinh doanh như cung cấp xăng, dầu, gạo, gas... và nhu yếu phẩm khác để phục vụ việc đánh bắt của bà con xã viên và ngư dân; đồng thời tạo điều kiện cho xã viên vay vốn để cải hoán đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc... Nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Mùa biển năm 2013 đã đến, giá mực không có đầu ra như hiện nay, ngư dân Bình Chánh lại thấp thỏm lo âu.
Bài, ảnh: MAI HẠ