(QNĐT)- Thời tiết nắng hạn gay gắt kéo dài nhiều tháng liền, nên dù rất nỗ lực chống hạn cứu lúa, nhưng gần 150 ha lúa vụ đông của bà con nông dân xã Đức Minh (Mộ Đức) vẫn “vô phương cứu chữa”. Những cơn mưa cuối mùa cũng không cứu nổi những ruộng lúa chết khô, bà con đành ngậm ngùi cắt lúa cho bò ăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khác với mọi năm, thời điểm này về xã Đức Minh, không khí sẽ rộn ràng bởi đây là thời điểm người dân trong xã tiến hành thu hoạch lúa vụ đông, thế nhưng năm nay, thay cho không khí đó là sự yên lặng đến lạ thường. Trên những đồng lúa chúng tôi gặp chỉ lác đác vài người làm cái việc “bất đắc dĩ” là cắt lúa về cho bò ăn, cùng với những tiếng thở dài buồn bã.
Trồng lúa cho... bò
Quệt vội mồ hôi đang lăn trên khuôn mặt rám đen vì nắng, đưa tay chỉ vào những đám lúa mà lá đã vàng úa nằm rải rác ở khắp nơi, bà Nguyễn Thị Bích Thủy ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh nén tiếng thở dài: Mấy hôm nay trời mưa, nhưng cũng không cứu được gì. Thôi thì cắt, mang về cho bò chứ để không ngoài đồng, lúa sẽ chết héo, thành rơm rạ. Người mất ăn đã đành, lúc đó, thậm chí bò cũng không còn cái để ăn.”
Người dân ngậm ngùi cắt lúa về cho bò ăn |
Cách đó không xa, ông Lê Lơi, người ở cùng thôn với bà Thủy cũng làm công việc "bất đắc dĩ" này. Nhìn mảnh ruộng chỉ có vài bông lúa lưa thưa, ông Lơi buồn bã: Đáng lẽ, như mọi năm giờ đã đến thời điểm thu hoạch, nhưng nhiều tháng nay nắng hạn thiếu nước tưới, cây lúa không phát triển được, giờ cháy khô thế này.
"Chẳng người nông dân nào vui khi tự tay cắt lúa sau một vụ mùa chờ đợi để làm lương thực cho bò. Mà không thu cũng không được. Lúa cháy khô như thế này để ngoài ruộng cũng chết."- ông Lơi than thở.
Ông Lơi cho biết: Những năm trước lúa được mùa, bình quân một sào cũng được 5-6 bao lúa, nên năm nay ông mạnh dạn thuê gần 10 sào đất để trồng lúa, hi vọng một vụ mùa bội thu. Gần mấy triệu bạc đầu tư giống, phân, giờ thì mất trắng.
Với tình trạng thiếu nước kéo dài, để cứu lúa, bà con nông dân trong xã tìm đủ mọi cách, một số diện tích gần nhà đóng giếng để tưới nhưng mấy tháng liền trời hạn nên cũng không cứu nổi.
"Chưa năm nào lại khô hạn như năm nay. Gia đình tôi phải bỏ ra gần chục triệu đồng đào giếng, mua dây dẫn… để bơm nước, cứu lúa, tiền điện tính ra còn hơn tiền lúa, nhưng cũng đành bỏ cuộc. Thậm chí, cỏ còn mọc lên cao hơn lúa. "- bà Thủy cho biết.
Những cây lúa héo khô vì thiếu nước |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở đây, không chỉ gia đình bà Thủy, ông Lơi, mà hàng trăm hộ nông dân khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Nhiều thửa ruộng nông dân đã bỏ mặc cho bò ăn hoặc đốt đi để lấy đất tiếp tục trồng cây hoa màu khác.
Thành, bại do trời
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Minh Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết: Sản xuất lúa vụ đông là đặc trưng riêng của nông dân xã Đức Minh. Sau khi thu hoạch các cây hoa màu khác, vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch bà con bắt đầu xuống giống, đến khoảng tháng 11, 12 âm lịch thì thu hoạch.
So với lúa gieo sạ ở ruộng thì lúa gieo trên chân đất cát pha ở đây, chi phí đầu tư thấp hơn nhưng năng suất đạt khá cao. Mấy năm trước năng suất lúa vụ đông ở xã đạt trên 50 tạ/ha. Vụ đông năm nay, hơn 500 hộ nông dân trong xã xuống giống được gần 150 ha lúa, nhưng thời tiết bất lợi, hạn kéo dài khiến cho 150 ha này gần như mất trắng.
Sản xuất lúa vụ đông ở địa phương đã có từ lâu, đối với nhiều hộ nông dân xem đây là vụ sản xuất chính trong năm, nhưng năm nay không ít hộ nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì mất mùa.
Thời điểm này mọi năm những đám lúa này đã cho thu hoạch, nhưng giờ chỉ là những đám cỏ |
Địa hình xã Đức Minh có nhiều vùng trũng thấp, mùa mưa lượng nước tích tụ nhiều, đây là điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển lúa vụ đông. Điều đó, khẳng định thông qua năng suất luôn tăng cao và việc phát triển diện tích lúa vụ đông cũng nằm trong kế hoạch sản xuất của địa phương.
Thế nhưng, hiện nay, cái khó của người dân trồng lúa xã Đức Minh là đa số diện tích lúa vụ đông phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước nhỉ và lượng mưa hàng năm nên sản xuất khá bấp bênh. Vụ năm nào mưa thuận gió hoà thì cho năng suất cao, không thì cũng mất trắng do thiếu nước.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cũng như như các cấp ngành liên quan, cần có định hướng và sự đầu tư đúng mức để bà con nông dân có điều kiện phát triển sản xuất bền vững, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Ngọc Đức