(QNĐT)- Ngoài việc thu mua thông qua tiếp nhận khoan mẫu ngẫu nhiên và phân tích chất lượng mía tại nhà máy, Nhà máy đường Phổ Phong đã thực hiện mua mía theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Sự minh bạch này đã xóa đi những nghi ngờ của nông dân về cách tính chữ đường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời điểm này, trên nhiều cánh đồng trong tỉnh, nông dân đang tất bật vào vụ thu hoạch mía. Dạo quanh những cánh đồng mía, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp nụ cười của nông dân, người trồng mía phấn khởi vì năng suất cao, giá cả hợp lý và đầu ra khá thuận lợi.
Ông Nguyễn Long ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) phấn khởi: Ước tính năm nay gia đình ông thu hoạch khoảng hơn 50 tấn mía, với giá mía gần 1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí sản xuất còn lãi khoảng trên 30 triệu đồng. Đặc biệt, việc Nhà máy đường Phổ Phong tiến hành thu chữ đường ngay tại ruộng khiến nông dân chúng tôi rất phấn khởi, tin tưởng.
"Bán mía theo kiểu này rất yên tâm vì cách lấy mẫu minh bạch, người trồng mía còn giảm được chi phí nhân công nhờ thu hoạch đồng bộ nên thuận lợi cho việc chăm bón, tạo điều kiện cho cây mía phát triển”- ông Long cho hay.
Niềm vui của ông Long cũng là niềm vui chung của nhiều người dân trồng mía trên địa bàn tỉnh. "Trước kia, chúng tôi đem mía nguyên liệu đến nhà máy cân, muốn biết mía của mình đạt bao nhiêu chữ đường chỉ biết nhìn bảng công bố hiển thị chữ đường do nhà máy lắp đặt thôi. Nông dân băn khoăn không biết nhà máy có gian lận trong cách tính chữ đường hay không? Giờ thì nông dân chúng tôi rất yên tâm. "- ông Huỳnh Kim Sơn một hộ trồng mía ở xã Phổ Nhơn bày tỏ.
|
Nông dân phấn khởi thu hoạch mía
|
Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong Tạ Công Tường cho biết: Để thuận lợi cho nông dân trồng mía, ngoài việc thu mua thông qua tiếp nhận khoan mẫu ngẫu nhiên và phân tích chất lượng mía tại nhà máy, chúng tôi đã thực hiện mua mía theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng đối với vùng mía tập trung, sinh trưởng đồng đều, thực hiện đầu tư đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Vùng mía tập trung phải có diện tích từ 3ha trở lên.
Trước thời điểm thu hoạch, đoàn lấy mẫu mía của nhà máy sẽ cùng với người dân tiến hành lấy mẫu. Bình quân 1 ha lấy khoảng từ 3- 5 mẫu về phân tích tính chữ đường bình quân. Kết quả chữ đường bình quân sẽ được thông báo cho người dân. Nếu nông dân đồng ý thì sẽ tiến hành làm biên bản thu mua giữa 2 bên. Sự minh bạch này đã xóa đi những nghi ngờ của nông dân về cách tính chữ đường. Đồng thời tránh đi những tiêu cực trước đây của người dân trồng mía, trong việc tìm cách gian lận để tăng chữ đường, lái xe nhũng nhiễu đòi tiền “boa”...
Ông Tường cho biết: Từ niên vụ 2008-2009, nhà máy đã áp dụng cách mua mía bình quân chữ đường tại ruộng thí điểm trên diện tích 10 ha tại xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), sau đó mở rộng ra nhiều địa bàn khác trong tỉnh. Trong vụ mía 2011- 2012, với diện tích hơn 5.000 ha, tổng sản lượng đạt 235.000 tấn, nhà máy đã thỏa thuận với nông dân mua tiến hành mua chữ đường tại ruộng chiếm khoảng 60% sản lượng cả vụ. Vụ mía 2012- 2013, Nhà máy đường Phổ Phong bắt đầu thu mua mía tại ruộng từ ngày 14/12/2012 đến tháng 4/2013.
"Vụ mía 2012- 2013, tổng diện tích mía đã trồng khoảng 4.800ha, dự kiến năng suất sẽ đạt bình quân 52 tấn/ha/vụ, tổng sản lượng khoảng 264.000 tấn. Đây vụ mía đầu tiên nhà máy và nông dân thực hiện đúng quy chuẩn quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu theo quy chuẩn Việt Nam. Theo đó, mía khi vận chuyển về nhà máy đưa vào sản xuất phải đảm bảo tươi, sạch, chín. Thời gian đốn chặt và vận chuyển về nhà máy không quá 48 giờ, tuổi mía từ 47 đến 53 tuần, tỷ lệ tạp chất không quá 3%. Nhà máy có trách nhiệm bố trí xe vận chuyển đảm bảo đúng kế hoạch."- ông Tường cho biết thêm.
Có thể nói, với cách làm này, nhiều nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh mía. Đây được coi là những yếu tố kích thích để nông dân có điều kiện đầu tư đúng mức vào đồng mía chuyên canh tập trung, bảo đảm tăng năng suất, chữ đường, giảm chi phí sản xuất và đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh:
Ngọc Đức