Giải "bài toán" việc làm từ... những vườn ươm

08:01, 24/01/2013
.

(QNĐT)- Những năm gần đây, phong trào trồng rừng phát triển mạnh ở các huyện miền núi trong tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu về cây giống cho người dân, nhiều vườn ươm ra đời. Chính những vườn ươm này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lao động không nhỏ ở miền núi.

TIN LIÊN QUAN


Tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng thực tế ở Quảng Ngãi cho thấy, có hàng trăm vườn ươm cây lâm nghiệp lớn nhỏ của cả doanh nghiệp và những hộ tư nhân, cung ứng mỗi năm vài chục triệu cây giống các loại, như: keo, bạch đàn, sao, mây, quế... phục vụ nhu cầu trồng rừng trong và ngoài tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập trung bình mỗi ngày 100 nghìn đồng/người

"Hút" lao động nông thôn

Về huyện miền núi Ba Tơ, nơi có phong trào trồng rừng mạnh nhất tỉnh hiện nay, chúng tôi tìm đến vườn ươm rộng hơn 3 ha của doanh nghiệp Lâm nghiệp Đại Nam ở xã Ba Thành (Ba Tơ). Những ngày cuối năm, vườn ươm khá tất bật, với trên chục lao động đang làm việc. Người làm đất, đóng bầu, người gieo hạt, ươm mầm lứa giống mới, tất cả cứ nhịp nhàng như một dây chuyền sản xuất. Ai cũng hối hả mong hoàn thành sớm những công việc của mình.

Đang gieo ươm hạt keo giống trong túi bầu, chị Phạm Thị Lời ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành cho biết: Chị đã làm công việc này hơn một năm nay. Thay vì trước đây, để có nguồn thu nhập, chị cũng như nhiều lao động khác ở đây phải "ly hương" để kiếm việc làm, thì bây giờ làm nhân công ở vườn ươm vừa gần nhà, vừa có mức thu nhập ổn định từ 100- 110 nghìn/ngày, góp phần cải thiện rất nhiều đời sống gia đình.

 

Các vườn ươm  giải một lượng không nhỏ lao động vùng miền núi
Các vườn ươm giải quyết một lượng không nhỏ lao động ở miền núi


Ông Hoàng Văn Nam- chủ doanh nghiệp Lâm nghiệp Đại Nam, cho biết: Vườn ươm cây giống đang trên đà phát triển thuận lợi. Cây giống của doanh nghiệp đang có thị trường tiêu thụ khá ổn định trong và ngoài tỉnh. Công việc ươm giống cây lâm nghiệp diễn ra quanh năm, cả mùa nắng và mùa mưa. Vì lẽ đó mà những lao động làm việc tại vườn ươm có việc làm quanh năm.

"Hiện, vườn ươm Đại Nam, giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế lâu dài cho hơn 30 lao động địa phương. Với mức thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng là nguồn thu nhập không nhỏ đối với những lao động ở miền núi"- ông Nam cho hay.

Không chỉ vườn ươm của doanh nghiệp Đại Nam, mà tại vườn ươm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Ba Tơ số lượng lao động làm việc tại vườn ươm cũng đông không kém.

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn ươm, ông Trần Công Sương- Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Ba Tơ cho biết: Ở đây, công ty đầu tư sản xuất giống cây lâm nghiệp với sản lượng gần hai triệu cây con/năm. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lượt lao động thời vụ, với mức thu nhập 100 nghìn/ngày và gần 20 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng.

 

Nhiều chị em phụ nữ có được nguồn thu nhập hằng ngày từ nghề ươm giống
Nhiều chị em phụ nữ có được nguồn thu nhập hằng ngày từ nghề ươm giống


Anh Phạm Văn Sinh làm nhân công tại vườn ươm Công ty TNHH Lâm nghiệp Ba Tơ vui vẻ khoe: Nhiều năm qua, nhờ có việc ươm cây giống thuê mà mình có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho gia đình. Ươm cây giống không đòi hỏi lao động tay nghề cao, chỉ cần cẩn thận, chăm chỉ là được.

Ngoài ra, Công ty TNHH Lâm nghiệp Ba Tơ  cũng đã hình thành một làng chuyên sản xuất cây keo giống tại xã Ba Thành với nhiều hộ gia đình tham gia và mỗi năm đã ươm hơn sáu triệu cây giống keo lai, bảo đảm cung cấp cho các đơn vị và hộ trồng rừng trên địa bàn.

Ông Huỳnh Thương- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: Chưa kể những vườn ươm quy mô nhỏ của các hộ gia đình thì hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 7 vườn ươm quy mô lớn của các đơn vị, doanh nghiệp. Những vườn ươm cây lâm nghiệp đã góp phần tạo nguồn thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

"Ươm lộc" cho mình

Đã từng là một người làm công như bao người làm công trong vườn ươm khác, năm 2010, từ những kinh nghiệm có được trong thời gian làm công ở các vườn ươm lớn, ông Nguyễn Thanh Hưng (Sơn Hà) quyết định chấm dứt quãng đời làm thuê để lập vườn ươm của gia đình.

Dẫn chúng tôi đi xem khu vườn ươm rộng khoảng 3.000 m2 của mình, ông Hưng bộc bạch: Người dân chúng tôi làm gì biết kỹ thuật ươm giống, nhưng nhờ trước đây, trong quá trình làm công tại các vườn ươm, được hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nên ông mạnh dạn tận dụng mảnh đất sau vườn bắt đầu ươm cây lâm nghiệp như: bạch đàn, keo lai... chủ yếu để phục vụ sản xuất trong gia đình, phần dôi ra đem bán bù đắp một phần chi phí.


"Kỹ thuật ươm cây không khó, nhưng đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Từ khâu chọn đất, làm đất, trộn phân, đóng bầu, tra hạt, giâm hom, che chắn vườn ươm... đều phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt, không bị nấm, sâu bọ, bảo đảm giống tốt khi đem trồng. Nhờ được đầu tư chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên vườn ươm của gia đình luôn phát triển tốt".- ông Hưng bày tỏ.

Nhiều hộ xem đây là nghề nghiệp làm ăn thật sự. Công việc không chỉ hái ra tiền mà còn giải quyết việc làm cho chính lao động trong gia đình. Điều đáng nói, không chỉ có những người lớn tuổi, phụ nữ làm nghề, mà còn thu hút cả lớp trẻ, thanh niên .

 

Vườn ươm của những hộ gia đình được đầu tư khá công phu với hệ thống tưới nước tự động
Vườn ươm của những hộ gia đình được đầu tư khá công phu, với hệ thống tưới nước tự động


Anh Phạm Văn Non, chủ một "vườn ươm mi ni" ở xã Ba Thành (Ba Tơ) cho biết: Cách làm này có cái hay là tự túc tại chỗ giống cây, đảm bảo phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tăng nguồn thu nhập nhờ bán cây con giống và đặc biệt là giải quyết được 5 lao động nông nhàn trong gia đình anh. Từ khi tự chủ được cây giống, trong các mùa vụ trồng rừng, việc chuẩn bị cây con luôn được chủ động. Việc ươm giống thực hiện theo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn, đảm bảo sự sinh trưởng rừng trồng cho tương lai của chính hộ nhà mình.

Có thể nói, vấn đề giải quyết lao động ở miền núi đang là bài toán khó với nhiều địa phương. Vì thế, những vườn ươm ra đời đã tạo ra “cú hích” trong khâu giải quyết lao động nông thôn, từng bước giúp bà con giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình.



                                                                                                     
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 


.