(QNg)- Những năm gần đây, chính quyền xã Bình Khương (Bình Sơn) đã quan tâm chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển kinh tế rừng, nhờ đó nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương cho biết: Địa phương có diện tích tự nhiên hơn 3.882 ha; trong đó diện tích đồi núi chiếm hơn 40%. Xã có 5 thôn, trong đó thôn Phước An chiếm trên 85% diện tích rừng toàn xã. Mấy năm gần đây, công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được quan tâm, người dân đã thấy được hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng nên nhiều hộ đã mạnh dạn khai hoang đồi núi, phát triển trồng rừng vừa tích luỹ tăng thu nhập, vừa cải tạo đất bảo vệ môi trường sinh thái.
Ươm cây giống phục vụ cho công tác trồng rừng. |
Anh Lai Văn Châu, ở thôn Phước An là một minh chứng. Trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, canh tác hơn 2 ha đất sản xuất lúa, hoa màu nhưng chỉ đủ ăn. Vì vậy anh quyết định tích luỹ nguồn vốn bằng việc đầu tư vào trồng rừng, nhờ vậy mà hiện nay gia đình anh sở hữu 10 ha rừng keo; trong đó có 7 ha trồng được 3 đến 4 năm tuổi, 3 ha rừng tái sinh. Năm 2011, gia đình khai thác 3 ha keo bán cho các nhà máy chế biến gỗ ở Dung Quất thu được trên 130 triệu đồng. Năm 2012 anh thuê thêm lao động tiếp tục khai hoang, phát rẫy trồng thêm khoảng 1 ha rừng nữa trong vụ đông này.
Anh Nguyễn Văn Thạch, cũng ở thôn Phước An phấn khởi bày tỏ: Những năm đầu mới khai hoang trồng rừng kinh tế, gia đình rất khó khăn chật vật thiếu trước hụt sau. Hai vợ chồng đã trồng xen canh cây mì vào cây lâm nghiệp để hạn chế cỏ dại, đồng thời có thêm nguồn thu. Cùng với việc khai hoang, anh còn nhận đất rừng theo dự án 661 triển khai trên địa bàn xã, nên hiện nay gia đình anh có 30 ha rừng keo, bạch đàn. Nhìn cánh rừng bạt ngàn, gần 50% diện tích chuẩn bị bước vào thời kỳ khai thác, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, anh Thạch nhẩm tính, trung bình 1 ha rừng trồng 1.500-1.700 cây, nhưng chỉ tốn công trồng, khai hoang đất, tiền mua cây giống, ít tốn công chăm sóc, không tốn chi phí phân bón; khi thu hoạch mỗi ha bán được khoảng trên 50 triệu đồng.
Cùng với việc phát triển trồng rừng, những năm qua, xã Bình Khương cũng đã làm tốt việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, không để tình trạng đốt, phá rừng xảy ra bừa bãi; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về các chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên người dân hưởng ứng nhiệt tình, diện tích rừng trồng tăng dần theo từng năm và luôn đạt kế hoạch đề ra. Đi cùng phong trào trồng rừng, nhiều hộ dân trong xã còn tận dụng quỹ đất vườn nhà xây dựng các khu vườn ươm cây giống cung cấp cho các hộ trồng rừng.
Ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương cho biết thêm: Từ đầu tháng 10/2012 đến nay, nhân dân xã Bình Khương đã trồng được 80 ha rừng tập trung chủ yếu là keo lai. Trước khi chuẩn bị trồng rừng, nhân dân trong xã đã thực hiện gieo ươm khoảng trên 100.000 cây giống nhằm chủ động cung ứng nguồn giống tại chỗ. Ngoài ra, nhân dân địa phương còn tham gia trồng 230 ha rừng theo dự án WB3. Hiện tại trên địa bàn xã có 1.414 ha rừng; trong đó có 283 ha rừng phòng hộ, 1.131 ha rừng sản xuất.
Nhờ trồng rừng, nhiều hộ gia đình ở xã Bình Khương đã biến những vùng đồi núi bạc màu sỏi đá thành những cánh rừng bạch đàn, keo lai bạt ngàn, xanh ngút. Đất trung du đang ngày càng nở rộ những triệu phú, tỷ phú, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập kinh tế, tạo sức sống mới cho quê hương.
Bài, ảnh: Nguyên Hương