(QNĐT)- Trong khi nông dân khắp nơi trong tỉnh khẩn trương chăm sóc hoa vụ Tết thì anh Nguyễn Công Hộ ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn) miệt mài với những cụm hoa huệ nở quanh năm của mình. Với người nông dân chân đất ấy, trồng hoa không phải là nghề thời vụ mà đã là cái nghiệp vận vào thân tự bao giờ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hằng ngày, công việc đầu tiên của anh Hộ sau khi thức dậy là ra thăm nom, chăm sóc vườn hoa huệ. Hàng chục nghìn cây hoa huệ trắng ngần, rung rinh trước gió trên diện tích 5.000 mét vuông đã trở thành niềm vui, động lực sống của anh từ lúc nào không hay.
Anh chính là người đầu tiên trồng thành công giống hoa huệ hương ở tỉnh ta. Anh kể, cách đây đúng 15 năm, vô tình được người bạn trở về từ Đà Lạt đem cho vài cụm hoa huệ trắng. Vốn là người thích sưu tầm những giống cây mới, anh Hộ liền vun trồng, chăm sóc cho hoa nở “vui cửa, vui nhà”. Đến khi hoa nở trắng một góc vườn, tỏa hương ngào ngạt, không ít người tìm đến hỏi mua với giá cao. Thế là, ý định làm giàu với cây hoa nảy sinh từ đó.
Cây hoa huệ là nguồn thu nhập chính, giúp cuộc sống gia đình anh Hộ thêm sung túc |
Nếu như trước đây, anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gắn bó với cây hoa huệ thì từ thời điểm đó, anh bắt đầu “say” hoa. Khởi đầu từ 1 sào hoa huệ trắng, anh miệt mài nghiên cứu làm sao để giống hoa này phát triển lâu dài trên vùng đất gò đồi vốn khô cằn ở quê anh.
Vốn là loài hoa ưa đất thổ, thời tiết nóng, ẩm, đòi hỏi phải chăm sóc thận trọng, luân canh thường xuyên, hoa huệ trắng khó thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở tỉnh ta. Anh chia sẻ: Lúc đầu mình trồng ít thì còn thấy dễ chứ đến khi nhân rộng thì gặp đủ điều khó khăn. Khó nhất là hoa huệ trắng hay gặp sâu bệnh, gây thiệt hại dữ lắm. Do tán hoa rậm nên rất khó kiểm tra và chữa bệnh cho hoa. Hễ hoa bị đục lá, cháy lá là bạn hàng đâu có lấy.
Có vụ anh bị thua trắng đến vài chục triệu đồng. Đôi lúc anh đã tính đến chuyện đổi nghề, nhưng bao nhọc nhằn, khó khăn vẫn không làm người nông dân này chùn bước. Hoa huệ như là cái nghiệp mà anh đã chọn. Thế rồi, trời không phụ lòng người, từ 1 sào hoa ban đầu, anh bắt đầu nhân rộng thành 5.000 mét vuông. Là loài hoa có giá trị kinh tế cao, hoa huệ trắng đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp cuộc sống gia đình anh ngày càng sung túc.
Niềm đam mê và sự kiên nhẫn đã giúp anh trụ vững với nghiệp trồng hoa |
Nguồn sản phẩm của gia đình anh được đem đi tiêu thụ ở khắp nơi trong tỉnh. Hoa nở quanh năm, đem về thu nhập đều đặn cho gia đình. Đến vụ chính, mỗi ngày anh Hộ thu hoạch khoảng 1.000 cây, bán ra thị trường với giá 1,5-2 triệu đồng.
Đưa mắt nhìn vườn hoa huệ nở trắng sáng cả một khoảng không gian, anh Hộ tự hào nói: Giống huệ trắng, tuy hoa nhỏ nhưng hương thơm ngào ngạt, lại rất khó trồng. Hiện tại, ở tỉnh ta chỉ có mình tôi là độc quyền, gắn bó lâu năm nhất với nó. Trồng được hoa là cả một vấn đề, tìm đầu ra lại càng khó hơn. Thế nhưng, chất lượng đã khẳng định được chỗ đứng của giống hoa này. Đến bây giờ, tôi chẳng còn lo ngại không tìm được đầu ra vì khách hàng đã tin dùng, ưa chuộng với thương hiệu hoa huệ trồng trên đất Bình Sơn.
Song song với hoa huệ trắng, anh Hộ còn miệt mài nghiên cứu, trồng nhiều giống hoa mới trên chính mảnh vườn của mình. Từ giống hoa hồng Đà Lạt khó trồng đến cây hoa Ly kén tay người chăm sóc, anh Hộ đều đã thử qua. Thành công có, thất bại có nhưng kết quả to lớn nhất mang lại cho anh chính là niềm đam mê không bao giờ cạn.
Giống hoa Ly dự kiến sẽ nở rộ đúng vào dịp Tết, mang lại khoảng thu nhập lớn cho gia đình anh |
Từ năm 2010, anh Hộ phối hợp với Trung tâm hỗ trợ nông nghiệp Dung Quất nghiên cứu trồng cây hoa ly Đà Lạt. Với kinh nghiệm có được từ việc trồng cây hoa huệ hơn chục năm trời, anh Hộ dễ dàng nắm được kỹ thuật trồng hoa ly. Kể từ đó, cây hoa ly cũng là giống hoa mang lại thu nhập cao cho anh mỗi dịp Tết đến xuân về.
Năm nay, với bàn tay chăm sóc cầu kỳ, hơn 3.000 cây hoa ly dự kiến sẽ nở rộ vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Anh Hộ vui mừng nói: 2 năm trước, giống hoa ly của gia đình tôi cháy hàng. Nghe bảo đây là giống hoa ly trồng ở Quảng Ngãi, nhưng chất lượng và hương thơm so với giống Đà Lạt chẳng khác gì, nên khách hàng ở tỉnh mình cũng rất chuộng. Tết này, với giá bán ra thị trường từ 35-40 nghìn đồng/cây, hoa ly sẽ mang lại cho gia đình tôi khoảng hơn 100 triệu đồng.
Để thành công, với người nông dân này, bí quyết đơn giản chỉ là sự kiên trì, tỉ mỉ, đam mê và hết lòng với nghề mình đã chọn. Nghề trồng hoa vốn nhọc nhằn, vất vả. 15 năm gắn bó với nghề, anh Hộ đã không ít lần khóc, cười với cây hoa, mới có thể trụ vững cho đến ngày hôm nay. Anh chia sẻ ước mơ: Với tôi, điều mong mỏi nhất chính là cùng với nhiều hộ gia đình khác tập trung mở rộng diện tích trồng hoa huệ. Từ đó, làm nên thương hiệu cây hoa huệ trên đất Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: Thanh Phương