Nông dân Quảng Ngãi: Lại trắng tay vì dưa hấu

11:12, 15/12/2012
.

(QNĐT)- Hàng chục hộ dân ở hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh đang rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì trồng dưa hấu. Họ là những hộ dân lên tận các tỉnh Tây Nguyên để thuê đất trồng dưa. Thế nhưng đến kỳ thu hoạch lại không tiêu thụ được, bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư vào những ruộng dưa, giờ đành trắng tay.

TIN LIÊN QUAN


Mặc dù thời điểm này, không phải là mùa dưa hấu ở Quảng Ngãi , thế nhưng hàng trăm hộ dân ở Quảng Ngãi vẫn trắng tay vì dưa hấu. Theo nhiều người trồng dưa thì đất dành cho trồng dưa ở Quảng Ngãi ít, cây dưa rất kén đất. Đất trồng dưa vụ trước thì vụ sau không thể trồng được nữa. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên đất mới cho trồng dưa rất nhiều, vì vậy, nhiều người đã lên tận Tây Nguyên để thuê đất trồng dưa, với hy vọng "đổi đời". Nhưng đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy trắng tay.

Anh Tiến quê thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh là một trong những hộ trồng dưa vừa trở về sau hơn 3 tháng "ăn dầm nằm dề" ở Tây Nguyên. Anh ngao ngán nói: "Trắng tay rồi, cứ tưởng chịu cực khổ lên Tây Nguyên thuê đất trồng dưa, bán kiếm tiền lo sắm Tết và trả nợ. Ai ngờ, dưa tới ngày thu hoạch nhưng không có ai mua. Ba bốn chục triệu tiền vốn chứ có ít đâu. Nhìn ruộng dưa với bao công sức mồ hôi mà đành vứt bỏ đi về. Giờ nghĩ tới thấy xót xa quá".

 

Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch dưa hấu (ảnh minh họa).
Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch dưa hấu (ảnh minh họa).

Cũng giống anh Tiến, anh Công, một nông dân trồng dưa ở đây cho biết, trồng dưa hấu khổ cực trăm bề, nhất là đối với những người tha phương trồng dưa như tụi tui. Do ở quê không có đất, nên mấy anh em mới rủ nhau lên Tây Nguyên thuê đất trồng dưa. Nói là Tây Nguyên đất rộng, nhưng những khu đất ở gần Quốc lộ thì hầu như không còn, vì người dân ở địa phương canh tác hết. Tụi tui phải vào vùng sâu,  heo hút, cách nhà dân cả chục cây số mới có đất.

Một khi đã xác định lên đây thuê đất trồng dưa thì coi như "đóng đô" luôn, ít nhất 3 tháng không về nhà. Vì xa nhà, đất trồng dưa xa khu dân cư nên... ăn uống luôn kham khổ, chỉ toàn mắm muối với đồ khô... Vài ba tuần thì cử một người hai người đi xe máy ra ngoài trung tâm xã cách vài chục cây số để mua đồ ăn cho vài tuần.

Tưởng khổ cực kiếm được ít tiền về lo cho vợ con. Vậy mà dưa trồng tới ngày thu hoạch không bán được, phải bỏ héo ngoài ruộng. Anh Công cho biết, mỗi người khi lên đây trồng dưa ít nhất vốn liếng bỏ ra không dưới 30 triệu đồng, đó là chưa kể công sức 3 tháng trời chăm sóc.
 
"Thành quả bao ngày tháng cực khổ, đến khi thu hoạch lại không có ai mua cả, thử hỏi sao không chua xót. Mình là nông dân mà, bấy nhiêu tiền bỏ ra là cả tài sản rồi. Ai đi làm cũng vay ngân hàng cả. Giờ thì kiếm đâu ra chừng ấy tiền để trả nợ" - anh Công chép miệng chua xót.

Dưa bán không được, nhiều người liều thuê xe chở ra dọc quốc lộ bán đổ, bán tháo để kiếm lại ít tiền vốn, thế nhưng số dưa bán được không là bao. Mà dưa một khi đã chín thì không thể để lâu, vì vậy không ít người lỗ lại càng lỗ thêm, vì phải trả tiền thuê xe tải chở dưa.

Anh Lương Ngọc, quê Tân Phước, xã Bình Minh cho biết: Hàng chục tấn dưa tới ngày thu hoạch, mỗi quả nặng 10-15kg. Xót quá, anh thuê nguyên một chiếc xe tải chở xuống tận Vũng Tàu để bán lẻ... Tưởng gỡ gạc lại ít vốn, ai ngờ dưa bán giá bèo chỉ 1.000 đồng/kg nhưng bán không bao nhiêu, mà tiền xe hàng chục triệu đồng phải trả cho chủ xe. Thế là về nhà với vợ con, bán trâu bán bò để trả nợ.

Một số hộ bạo hơn liều thuê cả xe tải để đóng dưa chở qua Trung Quốc tiêu thụ. Thế nhưng, sau chuyến đóng dưa đi Trung Quốc, những nông dân này trở về cũng bán trâu, bán bò vẫn không trả hết nợ.

"Được mùa mất giá, được giá mất mùa"- Điệp khúc này cứ quanh quẩn với người nông dân bao đời nay. Dẫu biết vậy, nhưng người nông dân trồng dưa vẫn chưa thể tìm cho mình được một hướng đi thích hợp, nên đành "đánh bạc" với may rủi.



Bài, ảnh: M.Toàn


.