Công ty Điện lực Quảng Ngãi: 37 năm xây dựng và phát triển

09:12, 06/12/2012
.

(QNg)- Sau 37 năm (1975 – 2012), qua những chặng đường phát triển, với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất và cung ứng điện năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Ngãi (ĐLQN) đã không ngừng phát triển, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị và đời sống nhân dân trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Đi lên từ gian khó

Sau ngày giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (24/3/1975), Nhà máy điện Quảng Ngãi được tiếp quản. Uỷ ban Quân quản đã động viên CBCNV Nhà máy điện tiếp tục làm việc, tổ chức duy tu, bảo dưỡng sửa chữa nguồn, lưới điện để phục vụ nhân dân với sản lượng điện năm 1975 là gần 3 triệu kWh.

 

Cấp điện cho công nghiệp- NM Doosan.
Cấp điện cho công nghiệp- NM Doosan.


Đầu năm 1976, tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định được sáp nhập. Sở Quản lý Phân phối điện Nghĩa Bình được thành lập. Vào thập niên 80, trước yêu cầu phát triển của tỉnh nhà, cần phải có nguồn điện lớn để phục vụ sản xuất, đặc biệt là cho mục đích nông nghiệp, cấp điện cho các trạm bơm tưới, tiêu nông nghiệp, được sự chi viện của Trung ương, ngành điện đã điều về thị xã Quảng Ngãi 4 máy phát điện GM-2100, 3 máy Super-400; xây dựng mới trạm diesel Đức Phổ với công suất lắp đặt hơn 700kW. Một số huyện miền núi, khi lưới điện chưa phát triển lên được, cũng đã chủ động xây dựng nguồn điện tại chỗ như thuỷ điện Cà Đú (Trà Bồng), thuỷ điện Di Lăng (Sơn Hà) để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân tại thị trấn của huyện.

Tích cực góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh

Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập. Trong thời gian này, tỉnh tập trung phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng cao, nhưng nguồn điện được cấp từ các nhà máy điện diesel không đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu điện.

Để giải bài toán thiếu điện của miền Trung, Bộ Năng lượng thực hiện phương án cấp điện bằng việc tăng cường nguồn diesel tại chỗ và kéo lưới điện từ miền Bắc vào và từ miền Nam ra. Ngày 26/01/1992, Quảng Ngãi chính thức nhận điện lưới quốc gia. Đây là bước ngoặc quan trọng, tạo tiền đề để phát triển Công ty ĐLQN sau này.

Tháng 8/1993, lưới điện huyện Đức Phổ được kết nối với lưới điện Quảng Ngãi, tạo cơ hội cho Đức Phổ nhận điện lưới quốc gia. Tháng 5/1994, đường dây và các trạm biến áp 500kV Bắc - Nam hoàn thành, đưa vào sử dụng, nối lưới điện 3 miền Bắc - Trung - Nam, vận hành trong hệ thống điện hợp nhất, hỗ trợ cho nhau. Năm 1994, huyện Ba Tơ được cấp điện. Các năm sau đó, các huyện Sơn Hà, Trà Bồng được cấp điện và năm 1998, lưới điện về đến huyện Sơn Tây. Đây là huyện miền núi cuối cùng của Quảng Ngãi được cấp điện bằng điện lưới quốc gia. Trong thời gian này, huyện đảo Lý Sơn được UBND tỉnh đầu tư trạm diesel phát điện với công suất lắp đặt 304kW, đáp ứng một phần nhu cầu dùng điện của người dân huyện đảo...

Có thể nói, từ năm 2000 đến nay là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của lưới điện tỉnh Quảng Ngãi. Đến cuối năm 2004, với sự nỗ lực của CBCNV Công ty và phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các HTX Dịch vụ điện, Công ty ĐLQN đã tiếp nhận được 298 công trình với 646km đường dây trung áp, 418 trạm biến áp phụ tải có tổng dung lượng gần 55MVA.

Từ năm 2000 đến năm 2012, ngoài các dự án lớn được triển khai xây dựng, ĐLQN cũng được ngành điện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hiện có để đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn, linh hoạt; cung cấp điện kịp thời cho các nhà đầu tư tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp- làng nghề trong tỉnh...

Nhờ thực hiện tốt công tác đầu tư, nâng cấp hoàn thiện lưới điện, đến cuối năm 2012, Công ty ĐLQN đã quản lý vận hành lưới điện phân phối với hơn 3.800 km đường dây trung, hạ áp, hơn 2.100 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng hơn 471 MVA, đủ khả năng cung cấp điện cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay. ĐLQN hiện đang cấp điện cho hơn 131.000 khách hàng, cấp điện cho 184/184 xã, phường, thị trấn với trên 98% số hộ sử dụng điện. Tính từ năm 1989, qua 23 năm phát triển, điện thương phẩm hằng năm tăng khoảng 15%, đến cuối năm 2012 tăng hơn 25 lần so với năm 1989. Công tác giảm tổn thất điện năng (TTĐN) đạt kết quả đáng khích lệ. TTĐN giảm dần qua các năm. Đến năm 2012, TTĐN còn khoảng 6%. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật và quản lý lưới điện một cách đồng bộ của Công ty.

Đoàn kết, thống nhất để tiếp tục phát triển

Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Công ty, hằng năm, Ban Giám đốc và Ban Thường vụ Công đoàn Công ty đều phối hợp phát động các phong trào thi đua nhằm động viên CBCNV phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch được giao.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất luôn được Ban Giám đốc và các tổ chức đoàn thể của Công ty quan tâm nên đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Tính từ năm 1989 đến 6 tháng đầu năm 2012, Công ty ĐLQN đã xét duyệt và công nhận 260 sáng kiến với tổng số tiền làm lợi 2,447 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều sáng kiến đã đoạt giải cao trong các Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, toàn quốc. Công ty luôn chú trọng hoàn thiện bộ máy sản xuất kinh doanh, quy hoạch và đào tạo cán bộ trẻ; tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy định của ngành điện; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

Phong trào thi đua sản xuất đảm bảo an toàn lao động là công tác thường xuyên tại các đơn vị. Công tác cung cấp điện an toàn chất lượng ngày càng được nâng cao. Hoạt động kinh doanh điện năng luôn được cải tiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng. Phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT cũng là một trong những mặt mạnh của ĐLQN. Ngoài ra, các tổ chức đảng, đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ thường xuyên có những hoạt động phong phú, thiết thực...

Nguyễn Tư

 


.