(QNg)- Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương mang đậm tính nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Thế nhưng, qua gần hai năm triển khai ở Quảng Ngãi vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét. Các ngành, các cấp cần phải tập trung toàn lực để xây dựng NTM.
Đến cuối tháng 10/2012, những bước triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM ở nhiều nơi trong tỉnh vẫn còn nằm trên giấy, có nơi chưa "rục rịch". Qua rà soát đánh giá thực trạng xây dựng NTM theo 19 tiêu chí Quốc gia ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều đạt thấp. Tại huyện Bình Sơn hiện mới lập thủ tục để thành lập các Ban chỉ đạo xây dựng NTM. Toàn huyện có 23/24 xã thành lập Ban phát triển thôn, 24/24 xã mới thành lập các tổ rà soát thực trạng của xã theo quy định để giúp BQL xã triển khai thực hiện, 6/24 xã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cấp xã do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng Ban.
Nhiều vùng quê trong tỉnh cần lắm những chiếc cầu kiên cố để đi lại làm ăn phát triển kinh tế... |
Đối với 3 xã điểm ở huyện thì chỉ có xã Bình Dương được huyện phê duyệt đồ án quy hoạch, còn hai xã Bình Thới và Bình Trung mới thẩm định hồ sơ, chờ phê duyệt; đối với 21 xã còn lại thì mới có 15 xã đã tổ chức và chuẩn bị tổ chức hội thảo lấy ý kiến của nhân dân để lập thủ tục hồ sơ; riêng 6 xã nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất đang vướng mắc nên chưa có chỉ tiêu tạm giao quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 cấp xã nên còn chờ ý kiến chỉ đạo.
Mặc dù, huyện Bình Sơn đã tuyên truyền các chính sách, nội dung 19 tiêu chí về triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, để cùng tham gia đẩy mạnh Chương trình, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để các cấp các ngành toàn tâm, toàn lực xây dựng NTM. Đến thời điểm này, huyện mới giải ngân được 22,6 tỷ đồng trong tổng số đầu tư hơn 60,3 tỷ đồng (37,4% kế hoạch năm).
Ở huyện Tư Nghĩa, "luồng gió" của Chương trình xây dựng NTM vẫn chưa đủ mạnh để làm thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn. Bức tranh ở các vùng quê trong huyện vẫn còn nguyên vẹn. Hiện toàn huyện mới phê duyệt đồ án quy hoạch 5 xã điểm; 11 xã còn lại mới hoàn thành hồ sơ quy hoạch chung; 5 xã mới phê duyêt đề án xây dựng NTM, số còn lại hiện trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để thẩm định phê duyệt. Qua khảo sát đánh giá kết quả gần 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo bộ tiêu chí Quốc gia thì ở huyện Tư Nghĩa mới có 9 xã đạt từ 5-8 tiêu chí; 8 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Không chỉ riêng huyện Tư Nghĩa và Bình Sơn mà theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh mới có 24/164 xã đã phê duyệt quy hoạch chung và công bố quy hoạch (15%); 16/164 xã đang triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, điểm dân cư và quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất; 40/164 xã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã. Riêng 33 xã dự kiến đạt chuẩn đến năm 2015 thì mới có 23 xã đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, 10 xã chưa phê duyệt.
Các địa phương mới triển khai xây dựng 65 mô hình, chủ yếu là các mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Tại cuộc họp báo cáo kết quả gần hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM vào đầu tháng 10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ đã phê bình nhiều địa phương chưa tập trung toàn tâm, toàn lực cho việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Kết quả dẫn đến toàn tỉnh đều triển khai chậm về công tác này.
Có một số địa phương lý giải nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là do thiếu nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, thiếu năng lực trong quy hoạch đồ án, hồ sơ phê duyệt xây dựng chương trình NTM và nhiều nguyên nhân khách quan khác. Nhưng lý do đó vẫn chưa thật sự thỏa đáng, bởi nguồn kinh phí cho việc đầu tư xây dựng NTM rất lớn, đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân được. Qua gần 2 năm, toàn tỉnh được đầu tư hơn 730 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng giải ngân đạt thấp. Riêng kinh phí cấp năm 2012, theo Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 3/7/2012 của UBND tỉnh thì đến cuối tháng 9, nhiều địa phương vẫn chưa giải ngân.
Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận sự chậm trễ trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM mà nguyên nhân chủ yếu là do một số Ban chỉ đạo hoạt động kém hiệu quả, chưa tạo sự chuyển biến rõ nét ở địa phương. Công tác thông tin tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục. Nội dung tuyên truyền còn nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhẹ về nội dung văn hóa, xã hội, môi trường... tiến độ quy hoạch chậm, chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng NTM chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng tự phát, diện tích sản xuất manh mún, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, chưa có quy hoạch đồng bộ, rất khó khăn trong việc liên kết sản xuất giữa "4 nhà". Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, chưa chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng chuyên môn, chuyên ngành.
Đến cuối năm 2012, Sở NN&PTNT phấn đấu hoàn thành phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM ở 164/164 xã; có 13 huyện và 100% số xã tổ chức phát động hưởng ứng "Quảng Ngãi chung sức xây dựng NTM". Tất cả các xã phải thành lập Ban chỉ đạo xã và Ban Phát triển thôn để chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM...
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, ngay từ bây giờ, các ngành, các cấp hãy bằng những hành động thiết thực, phát huy hết khả năng, chức năng của mình để tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện chương trình, tránh sự đùn đẩy, khoán trắng cho ngành nông nghiệp.
MAI HẠ