(QNg)- Mùa mưa năm nay, chưa có mưa lớn, bão và lũ "quét" qua đồng đất Quảng Ngãi, nên nông dân trồng rau trong tỉnh có một vụ rau được mùa. Song điệp khúc "được mùa, mất giá" lại diễn ra khiến người trồng rau kém vui...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trồng dễ - bán khó!
Thông lệ, những tháng cuối năm Quảng Ngãi luôn có mưa lũ. Thế nhưng năm nay ngoài vài cơn bão xa ảnh hưởng đến thời tiết trong tỉnh, thì trời vẫn đẹp, lượng mưa vừa đủ, tạo điều kiện rau phát triển. Vì thế, các cánh đồng rau trong tỉnh đâu đâu cũng xanh ngút tầm mắt. Ông Trần Xuân Triều, khu dân cư số 2, thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) đang cùng gia đình thu hoạch rau cải, dưa leo, khổ qua trên cánh đồng chân cao Đồng Viên cho biết: "Nông dân canh tác ở chân đồng cao chỉ sống dựa vào trồng rau mùa lũ. Mọi năm, mùa này trồng rau gặp nhiều khó khăn nhưng bù lại giá bán cao. Còn nay, rau tốt bời bời mà giá bán quá rẻ, nông dân không có lãi".
Nông dân Nghĩa Hiệp thu hoạch rau vụ đông 2012. |
Gia đình ông Triều vụ này trồng hơn 2 sào rau. Mấy ngày đầu vụ, do chưa "chính vụ" nên bán giá cao, cũng đủ trang trải tiền mua phân, thuê người chăm sóc. Khi vào thời điểm "rộ" cả xóm ai cũng có rau bán, bỗng nhiên giá "tụt" chỉ còn phân nửa so với trước. Giá rẻ, nhưng có ngày mưa thương lái không về "ăn hàng", cải nhổ rồi không bán được đành chở về chất đống héo úa trước hiên nhà. Ông Triều bảo: "Thời tiết thuận lợi rau trồng dễ mà bán lại khó, giá sụt thê thảm. Rau vụ đông những năm trước tuy trồng khó, nhưng thu hoạch đến đâu bán vèo vèo đến đó, người trồng cũng phấn khởi".
Thu chưa đủ chi!
Hiện nay, giá rau tại ruộng bình quân chỉ vài ngàn đồng một kilogam. Cụ thể, rau cải ngọt "loại 1" giá chỉ 1.500 đồng/kg, cải xanh muối dưa 800 đồng/kg, dưa leo 1.500/kg, khổ qua 2.000 đồng/kg. Các loại đậu như đậu đũa, đậu cove 3.000 đồng/kg. Do lượng "cung" quá dồi dào, nên các thương lái cũng chẳng chịu khó ra tận ruộng cân, chở về như mọi năm. Vì thế, người trồng rau sau khi thu hoạch phải chở rau tập kết ở những điểm thuận lợi cho xe tải ra vào vận chuyển mới có thương lái mua. Khi mua, thương lái còn lấy lý do "khó tiêu thụ", "giá thất thường" nên không mua rau theo kiểu "tiền trao cháo múc" như trước đây nữa. Họ chuyển sang phương án "bán rau xong" mới đem tiền về thanh toán cho dân, để tránh tình trạng "bị lỗ". Giá thu mua rau thường được "làm giá" theo từng phiên chợ, chứ không có giá ổn định như mọi năm.
Bà Nguyễn Thị Nài, ở khu dân cư số 3, thôn Đồâng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) bảo: Rau thì giá chỉ vài ngàn đồng, càng vào vụ thì càng xuống thấp. Còn phân bón thì cứ vào vụ lại tăng cao. Hiện tại phân bón khoảng 600.000 đồng - 700.000 đồng/bao, quy ra người trồng rau phải bán tới 300 - 400 kg rau mới đủ tiền mua một bao phân. Bán rau không đủ tiền mua phân, mua giống. Thế nhưng chẳng lẽ lại để đất "ở không". Vì thế gia đình bà Nài và những người nông dân ở đây tiếp tục "bấm bụng" trồng thêm một lứa rau nữa những mong kiếm chút tiền lời xoay xở cuộc sống.
Bài toán "tìm đầu ra cho nông sản", nhất là rau xanh cho nông dân lâu nay đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhưng thực chất vẫn chưa "gánh" cho dân bớt nhọc nhằn, thua lỗ do tình trạng "được mùa, mất giá" gây ra. Những người nông dân quanh năm tay lấm chân bùn, nhiều kinh nghiệm trên đồng ruộng nhưng thiếu kỹ năng thị trường ấy đã khiến cuộc mưu sinh của họ phải đối diện với muôn phần thiệt thòi. Với họ "trời thương" cho mùa tốt tươi cũng chưa đủ để cuộc sống khấm khá. Thông điệp của người trồng rau lúc này là mong muốn nhận được sự định hướng thị trường sát thực và một "tấm giấy bảo hành" về "đầu ra" cho rau, củ, quả đảm bảo nhà nông có lãi từ các cấp ngành hữu quan.
THANH NHỊ