Thôn An Cường thấp thỏm trước triều cường

03:10, 04/10/2012
.

(QNĐT)- Ba năm qua, hơn 500 hộ dân của thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn) luôn thấp thỏm trước triều cường xâm thực. Suốt 7 km bờ biển vùng này đến nay đã bị triều cường cuốn đi hàng lớp nhà, cây cối.

TIN LIÊN QUAN


Nghe áp thấp nhiệt đới là… run!

Theo chân mấy cán bộ huyện Bình Sơn và xã Bình Hải về khảo sát sạt lở ở bờ biển thôn An Cường, chúng tôi mới thấy cảnh nơm nớp lo triều cường rượt đuổi của người dân ở đây.

Chỉ tay dọc theo bờ biển dài 7km, ông Bùi Trạng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải bảo suốt bờ biển này chỗ nào cũng bị triều cường xâm thực. Trong đó, nặng nhất là dọc xóm Hải Khương, bờ biển dài gần 1km đã bị sóng “gặm” vào sát vách nhà dân.

Cảnh sạt lở ven bờ biển thôn An Cường, xã Bình Hải
Cảnh sạt lở ven bờ biển thôn An Cường, xã Bình Hải


Đi dọc bờ biển xóm này, dấu vết của triều cường để lại là những điểm lở sâu hoắm. Đây đó trên bờ cát trắng là gạch ngói của những ngôi nhà bị triều cường đánh sập năm ngoái nằm lăn lóc.

Anh Ngô Văn Bình chỉ tay vào một doi đất bảo: Đầu mùa mưa năm 2011, cái sân này còn nguyên vẹn, vậy mà hết mùa  mưa, cái sân này đã ra biển.

Chỉ tay cách bờ vực mình đứng khoảng 10 mét, ông Nguyễn Phú (60 tuổi) nói: Nhà cửa ngày trước là ở ngoài đó. Sau triều cường đánh sập, bà con mới bỏ đi. “Nhà dân đã đành, còn hàng dừa và bụi dứa um tùm cũng bị sóng biển đánh đổ hết”-ông Phú nói, vẻ mặt vẫn còn nét hãi hùng khi nói về triều cường ở đây.

Cũng theo lời ông Phú, mùa mưa năm 2011, có ba ngôi nhà ở xóm Hải Khương đã bị sóng biển cuốn đi ngay trong đêm, hàng trăm nhà khác thì phập phồng mỗi khi có tin báo áp thấp nhiệt đới trên biển.

Kể lại chuyện nhà bị sóng đánh sập vào mùa mưa bão năm 2011, anh Nguyễn Duy Khanh (38 tuổi) giờ vẫn còn ám ảnh. Đêm đó, do áp thấp nhiệt đới, mưa nhiều và có sóng lớn ầm ầm vỗ vào bờ. Thế nhưng anh Khanh không nghĩ là sóng lại lớn thế. Đến khoảng giữa đêm, anh nghe sóng đập vào vách nhà, sau đó phủ lên ái nhà, nước chảy ròng ròng xuống sàn nhà. Hoảng hốt, anh Khanh hối vợ và con theo đường trong xóm chạy tháo thân, còn mình thì nhặt nhạnh vội vài bộ đồ của vợ con rồi cũng chạy trốn. “Nói thiệt, sáng ngày dậy tui mới hay là gia đình mình còn sống cả. Bây giờ, cứ thấy trời áp thấp nhiệt đới là tui thấy run cả người” – anh Khanh lắc đầu.

Cần khẩn cấp xây kè chắn sóng

Theo dân chài thôn An Cường, mấy năm nay cứ áp thấp nhiệt đới biển động gió cấp 4, cấp 5 thì người dân ở đây hứng chịu triều cường vỗ mặt. Đến đêm, khi triều cường bổ vào, người dân thôn An Cường không ai dám ngủ hoặc phải đi tìm nơi an toàn để trú. Để đối phó với triều cường, người dân ở đây đã dùng cọc và dồn hàng ngàn bao cát đóng một lũy dài dọc theo ven biển. Thế nhưng do thường xuyên bị ngâm trong sóng nước, bao đựng cát của lũy đất này đã bị rách nát. Có chỗ, chỉ còn hàng cọc chơ vơ, còn bao cát đã không còn nữa.

Người dân đóng cọc và dùng bao cát làm lũy bảo vệ làng trước triều cường
Người dân đóng cọc và dùng bao cát làm lũy bảo vệ làng trước triều cường


Hơn hai năm qua, cứ đầu tháng 9, người dân ở làng chài An Cường lại gói ghém tài sản, đồ dùng gọn gàng vào bao để khi sóng biển ập vào là vác bồng nhau chạy sóng. Ở dọc bờ biển, không ai dám để thúng, lưới, rập… mà lo di dời dần lên vùng an toàn đề phòng sóng bổ bất ngờ cuốn đi.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, ông Bùi Trạng cho biết, chỉ hơn hai năm qua, bờ biển thôn An Cường bị xâm thực sâu vào đất liền đến 10 mét. Trước tình trạng này, xã đã có phương án di dời 160 ngôi nhà nằm dọc sát bờ biển trong mùa mưa năm nay.

Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị xây kè chắn sóng dọc bờ biển. Quan điểm của xã là phải khẩn cấp xây bờ kè để bảo vệ an toàn cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Nếu không xây kè, chỉ một vài mùa mưa nữa, bờ biển này sẽ bị xâm thực rất nặng, đời sống người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn” – ông Trạng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Lâm – Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bình Sơn cho rằng: So với làm tái định thì xây bờ kè chắn sóng có nhiều cái lợi hơn. Bởi xây kè sẽ bảo vệ được bờ biển khỏi bị xâm thực. Ngoài bảo vệ an toàn cho người dân dọc bờ biển, còn tạo điều kiện cho người dân bãi ngang này thuận lợi hơn trong mưu sinh nghề biển. Ngoài ra khi có bờ kè, người dân còn làm dịch vụ mua bán, nâng cao đời sống.

Ông Lâm cho biết, quan điểm của huyện Bình Sơn là phải khẩn cấp xây bờ kè và đã kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi điều này. Thế nhưng từ năm 2009 đến nay nhiều đoàn đã về khảo sát, người dân thì chờ đợi nhưng kè chắn sóng thì vẫn chưa được làm. “Nếu không làm khẩn cấp thì sẽ đẩy hàng trăm người dân vùng bãi ngang này vào cảnh sống nơm nớp, lo mất nhà cửa và nguy hiểm tính mạng” – ông Lâm nói.


Phúc Long
 


.