Phát triển vùng nguyên liệu mía Quảng Ngãi: Những tín hiệu vui

06:10, 01/10/2012
.

(QNg)- Quảng Ngãi là tỉnh có truyền thống sản xuất mía đường từ bao đời nay, tuy vậy trước sức ép cạnh tranh trong cơ chế thị trường, việc phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững trên địa bàn tỉnh luôn có những vấn đề nổi cộm cần phải quan tâm tháo gỡ.
 

TIN LIÊN QUAN


Nhìn lại thực trạng sản xuất vùng mía nguyên liệu ở tỉnh ta trong những năm qua, điều dễ nhận thấy là diện tích mía không ổn định, từ 7.598 ha (niên vụ 2006-2007) xuống còn 5.220 ha (niên vụ 2010-2012), chỉ đạt xấp xỉ 60,2% diện tích quy hoạch trồng mía. Năng suất mía bình quân từ 50-53 tấn/ha, sản lượng mía hàng năm giảm từ 380.000 tấn mía cây xuống còn 270.000 tấn mía cây, chữ đường bình quân từ 9,6-10,5 CCS. Diện tích, năng suất, sản lượng mía ở tỉnh ta qua các năm đều giảm chứng tỏ sức cạnh tranh của cây mía  về hiệu quả, giá thành so với các cây trồng khác chưa cao, thiếu ổn định nên một bộ phận lớn nông dân đã chuyển sang cây trồng khác.

Mô hình cơ giới hóa trong thâm canh mía giống mới trên đất gò đồi huyện Ba Tơ đạt hiệu quả cao.
Mô hình cơ giới hóa trong thâm canh mía giống mới trên đất gò đồi huyện Ba Tơ đạt hiệu quả cao.


Trước tình hình này, tỉnh ta đã xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng tập trung, chuyên canh. Từ đó, chương trình phát triển vùng nguyên liệu mía được triển khai chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ từ việc tổ chức lại sản xuất, sử dụng giống mía mới, dồn điền đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo đất, thâm canh tăng năng suất,... Đặc biệt có sự đóng góp lớn của hoạt động khoa học công nghệ trong việc hình thành vùng sản xuất mía tập trung bằng cách du nhập, khảo nghiệm, sản xuất thử và nhân rộng một số giống mía mới. Kết quả đã chọn được 6 giống mía mới có triển vọng, đó là Mex105, ROC27, B85-764, QĐ93-159, K88-65, K88-92 đã được Cục Trồng trọt công nhận.

Triển khai thực hiện thí điểm việc dồn điền đổi thửa với diện tích 10,4 ha ở vùng mía sản xuất tập trung tại đồng Miếu thôn An Lợi, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ). Sau khi dồn điền đổi thửa, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã áp dụng ngay việc cơ giới hóa toàn bộ khâu làm đất, rạch hàng để trồng mía và đã đưa vào trồng 3 giống mía mới B85-764, ROC27, Mex105. Đây là mô hình bước đầu có hiệu quả được nông dân nhiệt tình ủng hộ. Với mô hình này năng suất mía đạt bình quân 85 tấn/ha, chữ đường bình quân 10,5 CCS. Từ đó ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh.

Theo tinh thần này, từ năm 2007-2010 tỉnh đã hỗ trợ trên 13 tỉ đồng để thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 1.400 ha mía và chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía trên 400 ha cho năng suất mía khá cao (khoảng 65 tấn/ha), cao hơn 15 tấn/ha so với năng suất mía canh tác truyền thống. Những địa phương sau khi dồn điển đổi thửa đều cho năng suất cao, như  các xã Bình Trung (Bình Sơn), Hành Thiện, Hành Minh (Nghĩa Hành), Đức Hòa, Đức Phú (Mộ Đức), Phổ Nhơn, Phổ Ninh, Phổ Hòa (Đức Phổ).

Đối với các huyện miền núi tỉnh cũng đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới trong canh tác mía trên đất gò đồi theo đường đồng mức và tiểu bậc thang kết hợp với việc đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất và bón phân đồng bộ. Sau 2 năm (2011, 2012) triển khai đã trồng mới được 382,8 ha, trong đó thâm canh mía theo phương thức tiểu bậc thang là 362,8 ha và thâm canh mía theo đường đồng mức 20 ha. Năng suất mía đạt 65 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 9,94 CCS.

 Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được những cánh đồng mía có diện tích lớn, có hệ giao thông, thủy lợi nội vùng, mương tưới tiêu nội đồng thuận lợi cho cơ giới hóa, tiết kiệm được sức lao động của người trồng mía, giảm được chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc xây dựng và phổ biến ứng dụng phương pháp trồng mía xen canh với các cây họ đậu có hiệu quả cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt tổng giá trị sau thu hoạch trên 60 triệu đồng/ha. Đặc biệt, thông qua việc tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất và được hướng dẫn cụ thể từ khâu trồng đến khâu thu hoạch, đại bộ phận nông dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu mía đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chiếm hơn 60% diện tích.


  Bài, ảnh: N.Khâm   
                                               
 


.