Cơ hội cho sản phẩm địa phương

10:10, 05/10/2012
.

(QNg)- Thời gian qua, nhiều sản phẩm trái cây, thực phẩm tươi sống có xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào nước ta đã gây ra những lo ngại cho người tiêu dùng. Mà nguyên nhân là do lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là cơ hội để người dân và các cơ sở sản xuất trong nước tung ra các chủng loại hàng hóa "sạch" để chiếm lĩnh thị trường. Nhưng tận dụng được cơ hội này đến đâu lại phụ thuộc vào những giải pháp đưa ra có phù hợp hay không?  

TIN LIÊN QUAN


TÌM VỀ VỚI "CÂY NHÀ, LÁ VƯỜN"

Cuối tháng 9 vừa qua, các cơ quan chức năng công bố đã phát hiện các mẫu hoa quả là mận tươi, lựu và nho nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Phản ứng trước thông tin trên là thái độ cảnh giác của người tiêu dùng với nhiều loại trái cây không rõ nguồn gốc được bày bán tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, hoa quả tươi luôn là thực phẩm rất quan trọng của nhiều gia đình, từ thành thị đến nông thôn. Do đó, tìm kiếm giải pháp để có hoa quả cho gia đình dùng mà vẫn an toàn là nỗi trăn trở của các bà nội trợ.

 

Các sản phẩm rau, quả của nông dân trong tỉnh ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. Trong ảnh: Nông dân xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đang chăm sóc rau.
Các sản phẩm rau, quả của nông dân trong tỉnh ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. Trong ảnh: Nông dân xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đang chăm sóc rau.


Thời gian qua, người tiêu dùng có xu hướng tìm mua các loại trái cây, rau tươi được nông dân trong tỉnh sản xuất như chuối, ổi, mận, cải, xà lách, khổ qua... Chị Trần Thị Hường (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi), kể: "Vừa rồi đi chợ Quảng Ngãi, thấy có chị bán chuối ở góc đường nói là "chuối ở quê", mình liền mua 2 nải, chỉ khoảng 10 ngàn đồng mà ngon lắm. Còn về vệ sinh thì mình yên tâm, vì người nông dân trồng vài cây chuối, chín đâu bán đó mà, hơi đâu mà nghĩ đến việc dùng hóa chất "ngâm" cho tươi".

Còn chị Nguyễn Thị Huyền (đường Quang Trung, TP Quảng Ngãi), vừa chọn rau vừa nói: "Trước đây gia đình mình khi mua sắm ít chú ý đến xuất xứ của rau quả. Nhưng bây giờ nghe hàng Trung Quốc nhiều sản phẩm chứa độc tố gây hại nên mình hay thắc mắc với các chị tiểu thương nguồn gốc sản phẩm. Điều này nhằm để đảm bảo sức khỏe cho gia đình". Cũng theo chị Huyền, rau, quả được gieo trồng tại các địa phương trong tỉnh như Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) hay Đức Nhuận (Mộ Đức), Tịnh An (Sơn Tịnh)... rất sạch và tươi. Nếu người trồng rau có thể cung cấp cho thị trường nguồn rau ổn định và chất lượng ngày càng được nâng cao thì người tiêu dùng sẽ gắn bó lâu dài với rau, quả của nông dân trong tỉnh.

Không chỉ những sản phẩm "bình dân" người tiêu dùng mới thích "cây nhà lá vườn". Đối với nhiều loại thực phẩm đắt tiền, người dân trong tỉnh cũng rất ưa chuộng hàng địa phương. Anh Võ Xếp (xã Đức Chánh, Mộ Đức), người chuyên nuôi chim bồ câu thương phẩm, cho hay: "Chim bồ câu là sản phẩm ngon nhưng giá cao. Trung bình mỗi con chim bồ câu thương phẩm trị giá lên đến gần 60.000 đồng. Nhưng khi tôi đưa ra thành phố bán thì luôn "cháy" hàng. Bởi ai cũng bảo chim mình nuôi ăn rất ngon mà độ an toàn thì miễn bàn".
 
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO NÔNG SẢN

Khi người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm của địa phương thì các cấp, ngành và người nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất. Bởi lâu nay, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở Quảng Ngãi thường là manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, để nâng cao giá trị cũng như mở rộng sản xuất các mặt hàng nông sản, Quảng Ngãi cần phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù.

Qua đó tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Một thực tế là trong những năm qua, mặc dù có nhiều nông sản đặc trưng cho từng địa phương như: Nước mắm Đức Lợi, chè Minh Long, làng rau Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng... nhưng các nông sản này chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, mà chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp, chưa khẳng định được giá trị. Vì vậy việc mở rộng sản xuất cũng như mở rộng thị trường của các sản phẩm này gặp rất nhiều trở ngại, khó cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường nên giá bán thường thấp hơn so với chất lượng sản phẩm.

Từ thực tế này, việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản là việc làm cần thiết, từng bước khắc phục những khó khăn tồn tại trong thời gian qua và từng bước nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ, tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá để phát triển sản xuất kinh doanh. Nên chăng ngay từ lúc này, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần nhanh chóng xây dựng các chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, đề ra các giải pháp để tập trung hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển.

Đây sẽ là cơ sở cho việc chuyển đổi mô hình quản lý, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; bảo tồn các loài đặc hữu, khôi phục các nguồn gen quý của nông sản. Cùng với đó là thị trường tiêu thụ sẽ từng bước được mở rộng, tăng tính cạnh tranh và giá bán cho các nông sản.


 Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN
 


.