Đưa hàng Việt về nông thôn: Lợi cả đôi đường

03:08, 26/08/2012
.

(QNg)- Sau gần 3 năm triển khai, Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của các tầng lớp xã hội. Trong đó, chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" là hoạt động đã góp phần đưa CVĐ dần đi vào thực chất.

TIN LIÊN QUAN


KẾT NỐI DN VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Trong 3 năm qua, Sở Công thương phối hợp với các DN tổ chức trên 37 chuyến "Đưa hàng Việt về nông thôn" đến các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Theo thống kê, có trên 31 ngàn lượt người đã đến tham quan, mua sắm; doanh thu bán hàng ước đạt gần 5 tỉ đồng.

Những DN như Biscafun rất cần sự tiếp sức từ Nhà nước để tiếp tục đưa hàng Việt về nông thôn. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Bánh kẹo Biscafun đang đóng gói sản phẩm.
Những DN như Biscafun rất cần sự tiếp sức từ Nhà nước để tiếp tục đưa hàng Việt về nông thôn. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Bánh kẹo Biscafun đang đóng gói sản phẩm.


Tại một phiên chợ hàng Việt về nông thôn, chị Trần Thị Thy, ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (Đức Phổ), chia sẻ: "Hàng hóa bán tại đây không chỉ có chất lượng cao mà giá còn rẻ hơn thị trường bên ngoài. Lâu nay tôi thường mua hàng tại các sạp bán lẻ gần nhà, giờ được mua hàng trực tiếp nên giá cả có giảm được một ít. Hơn nữa, mình có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ". Còn chị Huỳnh Thị Thủy, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) cho rằng: "Hàng hóa được bày bán tại các phiên chợ đều có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Mua hàng tại đây không sợ bị hớ vì giá cả được niêm yết, lại yên tâm về chất lượng bởi có địa chỉ bên bán hẳn hoi".

Doanh số bán hàng tại các phiên chợ không phải là lý do chính khiến các DN tích cực tham gia chương trình. Ông Lê Quang Vinh- Giám đốc Nhà máy Bánh kẹo Quảng Ngãi, chia sẻ: "Phiên chợ là dịp để DN nỗ lực hơn nữa trong quá trình thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ các sản phẩm bánh kẹo của Biscafun. Mặt khác, thông qua phiên chợ, DN sẽ tổ chức được hệ thống bán lẻ phù hợp để thường xuyên đưa hàng có chất lượng về phục vụ cho bà con". Ông Vinh khẳng định: "Nếu năm 2002, doanh số tiêu thụ bánh kẹo Biscafun tại thị trường Quảng Ngãi của Nhà máy đạt ở mức 6,1 tỉ đồng, thì đến năm 2011, doanh số đã tăng lên gần 43 tỉ đồng. Có được kết quả này, ngoài việc tự nỗ lực của DN thì CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" có tác động rất quan trọng, góp phần vào tăng trưởng của doanh nghiệp".

DN CẦN TIẾP SỨC

Trên thực tế, nông thôn là một thị trường tiềm năng với 70% dân số, nhưng DN trong tỉnh vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường này. Sau nhiều lần tham gia chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn", các DN cũng thừa nhận đây thật sự là thị trường đầy hứa hẹn. Song để chiếm lĩnh được thị trường này, ngoài việc xây dựng chiến lược phát triển dài hơi của mình, DN cần có sự tiếp sức mạnh mẽ từ các cấp, ngành. Ông Lê Hồng Ca- Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, cho rằng: "Nếu Nhà nước và DN không triển khai chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" theo chiều sâu, thì chương trình sẽ không thể có sức lan tỏa mạnh mẽ được. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp sức cho các DN, để họ tiếp tục đưa hàng nhiều hơn về nông thôn. Đó cũng là cách để góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân khu vực này".

Ông Lê Quang Vinh đề xuất, để DN song hành lâu dài với người tiêu dùng nông thôn, thì Nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ DN về chính sách thuế, lãi suất ngân hàng, nhằm giúp DN hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng nông thôn được hưởng lợi vì giá hàng hóa thấp. Hằng năm, UBND tỉnh cần tổ chức nhiều tháng cao điểm với chương trình bình ổn giá, chứ không nhất thiết đến Tết Nguyên đán mới triển khai. Tùy theo từng thời điểm mà chọn loại hàng hóa, dịch vụ tham gia nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp tiếp cận và mua sắm.

Theo các DN thì, ngoài việc hỗ trợ kinh phí, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường cả công tác kiểm  tra, giám sát. Bởi nếu không quản lý tốt, hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp  tục xuất hiện tại thị trường nông thôn. Khi đó, hàng Việt chất lượng sẽ luôn đứng trước nguy cơ mất thị phần, đồng thời hiệu quả triển khai CVĐ sẽ không cao.


Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN

 


.