Trồng sắn xen canh, thâm canh cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao

08:09, 06/09/2012
.

(QNg)- Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng các mô hình trồng sắn (mì) xen canh, thâm canh và luân canh trên nhiều chân đất khác nhau, năng suất sắn ở tỉnh ta đã được tăng lên đáng kể, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân.

TIN LIÊN QUAN


Mô hình trồng sắn xen canh, thâm canh được Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung triển khai từ đầu năm 2010 tại 4 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng, với diện tích 500ha. Trong đó, mô hình trồng keo xen sắn   giai đoạn kiến thiết cơ bản được thực hiện tại huyện Minh Long và Nghĩa Hành với diện tích 200 ha; mô hình trồng sắn xen lạc được thực hiện ở huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và Tư Nghĩa với diện tích 100 ha; mô hình trồng sắn xen đậu được thực hiện ở huyện Sơn Hà và Trà Bồng với diện tích 200 ha. Giống sắn mới (SM2075-18, NA1) được tuyển chọn có năng suất cao, ổn định, củ tươi bình quân 37-39 tấn/ha; hàm lượng tinh bột bình quân sau 10,5 tháng trồng là 25%; tỷ lệ sắn lát khô/củ tươi là 38%, không phân cành, chịu hạn tốt, nhiễm nhẹ với bệnh đốm nâu lá và rệp muội.

 

Tham quan mô hình trồng lạc xen sắn ở Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa).
Tham quan mô hình trồng lạc xen sắn ở Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa).


Biện pháp kỹ thuật được áp dụng cho những vùng đất có độ dốc dưới  150 là canh tác sắn theo đường đồng mức, trồng xen đậu giữa các hàng sắn hoặc trồng xen sắn vào giữa các hàng keo mới trồng để tăng độ che phủ, giảm thiểu dòng chảy để hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, đồng thời tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Ngoài ra còn bổ sung và cải thiện dinh dưỡng khoáng đa, trung lượng và chất hữu cơ theo phương thức thâm canh tổng hợp. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để thay thế phân chuồng nhằm giảm chi phí và công vận chuyển. Còn đối với khu vực đồng bằng, áp dụng kỹ thuật trồng sắn theo phương thức thâm canh tổng hợp nhưng có trồng xen cây lạc.

Sau 2 năm triển khai, mô hình trồng sắn thâm canh, xen canh đã đem lại kết quả khả quan. Năng suất sắn tại các mô hình tăng đáng kể. Cụ thể:

Ở mô hình trồng keo xen sắn, năng suất sắn thực thu củ tươi bình quân đạt 14,7 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt từ 24,7-25,4%. Lãi thuần của mô hình là 27 triệu đồng/ha/năm, lãi tính cả công lao động là 33 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp 2 lần so với trồng sắn thuần.

Ở mô hình trồng sắn xen lạc trên đất bằng, năng suất sắn bình quân đạt 29,7 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt từ 24,1-25,2; năng suất lạc đạt bình quân 16,6 tấn/ha. Tổng thu của mô hình là 69 triệu đồng/ha/năm, lãi thuần 51 triệu đồng/ha/năm và lãi tính cả công lao động là 56 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 40% so với ruộng đối chứng chỉ trồng sắn thuần.

Ở mô hình trồng sắn xen đậu trên đất dốc, năng suất sắn đạt bình quân 24,2 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 24,7-25,5%; năng suất đậu đạt 8,5 tạ/ha. Tổng thu của mô hình là 54 triệu đồng/ha/năm, lãi thuần 39 triệu đồng/ha/năm và lãi tính cả công lao động là 44 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 35% so với ruộng đối chứng.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, các mô hình trồng xen sắn với cây họ đậu còn góp phần giảm thiểu xói mòn trên đất dốc; cải tạo độ phì, độ pH cho đất nhờ bón phân hợp lý, đồng thời nâng cao nhận thức của người nông dân trong canh tác sắn theo hướng sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Với kết quả đạt được, mô hình trồng sắn thâm canh, xen canh đã nâng cao năng suất, chất lượng của cây sắn, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh; đồng thời góp phần ổn định và phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắn phục vụ cho công nghiệp chế biến của tỉnh.


Bài, ảnh: Anh Khuê
 


.